Điều gì xảy ra nếu thức ăn đi vào đường hô hấp?

Thức ăn hoặc nước uống nếu di chuyển vào đường hô hấp có thể tiến vào trong phổi, gây ra chứng viêm phổi.

Chúng ta có thể từng trải qua cảm giác đang uống nước hoặc nuốt thức ăn thì bỗng bị sặc, bị nghẹn hoặc nghẹt thở. Đó là lúc thức ăn đi sai đường, theo Mother Nature Network.

Thức ăn hoặc nước uống thông thường di chuyển từ miệng, qua cổ họng, xuống thực quản và tới dạ dày. Quá trình này có vẻ đơn giản, nhưng để thực hiện hành động nuốt thức ăn, chúng ta phải sử dụng khoảng 30 cơ và dây thần kinh.


Chúng ta sử dụng khoảng 30 cơ và dây thần kinh khi nuốt thức ăn. (Ảnh: Syda Productions).

Trên đường đi của thức ăn, có một nắp đậy hình chiếc lá ở đáy lưỡi được tạo thành bởi tập hợp các mô gọi là nắp thanh quản. Nó ngăn không cho thức ăn đi vào trong khí quản khi chúng ta đang nuốt. Cùng lúc đó, các dây thanh âm khép chặt bịt kín đường thở, xương móng và thanh quản bị kéo hướng lên trên và tiến về phía trước khiến thực quản mở ra. Chúng ta sẽ tạm thời ngưng thở trong quá trình nuốt.

Nhưng thỉnh thoảng toàn bộ hệ thống này không hoạt động như mong muốn, với nắp thanh quản và dây thanh quản không đóng đúng cách. Một lượng nhỏ thức ăn hoặc chất lỏng mà chúng ta nuốt sẽ đi sai đường, bị hít vào trong khí quản hoặc phổi. Phản xạ của cơ thể là ho, đôi khi là ho rất dữ dội, nhằm đẩy các vật thể lạ ra khỏi đường hô hấp.

Vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng nếu thức ăn hoặc nước uống tiến vào trong phổi, gây ra chứng viêm phổi. Các loại thức ăn hoặc đồ uống có tính axit như nước cam làm tổn thương phổi nhiều nhất.

Đôi lúc, chúng ta không có phản xạ ho hoặc nôn khan ngay lập tức khi thức ăn hoặc chất lỏng đang tiến vào khí quản hoặc phổi, dẫn đến các vấn đề hô hấp nghiêm trọng. Điều này thường xảy ra phổ biến hơn ở những người mắc chứng khó nuốt (dysphagia). Chứng khó nuốt thường xuất hiện do cơ bắp của chúng ta trở nên yếu đi vì bệnh tật, chấn thương hoặc lão hóa.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất