Điều tra cái chết bí ẩn của nhà du hành Gagarin

Một nhà điều tra người Nga mới đây tuyên bố rằng hành động vội vàng của Yuri Gagarin trong một chuyến bay huấn luyện có thể là nguyên nhân khiến nhà du hành đầu tiên trên thế giới tử nạn khi mới 34 tuổi.

Yuri Gagarin được ghi nhận là người đầu tiên bay vào vũ trụ vào ngày 12/4/1961 trên tàu vũ trụ Phương Đông. Ông bay một vòng xung quanh trái đất trong 68 phút. Sau chuyến bay Gagarin nhanh chóng trở thành nhân vật nổi tiếng tại Liên Xô và thế giới. Hầu như mọi tờ báo trên hành tinh khi đó đều viết về ông. Nhiều thành phố tại châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi đã trao tặng danh hiệu công dân danh dự cho Gagarin.

7 năm sau chuyến bay lịch sử, Gagarin thiệt mạng trong một lần huấn luyện bay với phản lực cơ chiến đấu MiG-15 cùng với một phi công có tên Vladimir Seryogin vào ngày 27/3/1968. Khi đó ông mới 34 tuổi. Chiếc máy bay thực hiện một cú bổ nhào quá sâu khiến nó lao xuống một khu rừng gần thành phố Kirzhach ở miền trung nước Nga. Phi hành gia đầu tiên trên thế giới và Seryogin đều tử nạn. Trong suốt hơn 40 năm qua người ta đưa ra nhiều giả thuyết về nguyên nhân khiến Gagarin thiệt mạng. Nhiều người nói ông uống rượu trước khi lên máy bay, song một số lại nghĩ ông bị ám hại.

Giới chức Liên Xô chưa bao giờ công bố chính thức nguyên nhân vụ tai nạn. Các nhà điều tra chỉ kết luận rằng vụ tai nạn xảy ra do "phi công thực hiện một thao tác đột ngột để tránh một khinh khí cầu hoặc đám mây". Kết luận này được cho là không rõ ràng. Các tài liệu liên quan đến vụ tai nạn đều có chữ "tối mật" trên bìa. Do đó cái chết của Gagarin được coi là một bí ẩn trong suốt mấy chục năm qua.

RIA Novosti mới đây đưa tin một số nhà điều tra độc lập của Nga tuyên bố họ đã tìm thấy bằng chứng quan trọng về cái chết của Gagarin. Igor Kuznetsov, một đại tá không quân về hưu của Nga, là trưởng nhóm điều tra. Ông tin phát hiện mới sẽ chấm dứt những lời đồn đoán về nguyên nhân cái chết của Gagarin. 


Theo RIA Novosti, Kuznetsov cùng với một nhóm chuyên gia hàng không đã điều tra vụ tai nạn máy bay của Gagarin trong 9 năm. Họ nghiên cứu mọi tình huống có thể xảy ra trong vụ tai nạn với những kỹ thuật điều tra hiện đại.

Sau khi xem xét vài trăm tài liệu liên quan tới vụ tai nạn của Gagarin, ông Kuznetsov cho rằng một van thông khí trong buồng lái đã mở ra trong quá trình bay khiến áp suất giảm. Gagarin và phi công cùng lái nhận ra điều đó khi phi cơ đang ở độ cao 4.000 m. Họ vội vàng thực hiện hành động khẩn cấp để máy bay hạ xuống độ cao an toàn hơn. Nhưng do lao xuống quá nhanh nên hai phi công bị ngất. Ngay sau đó máy bay lao xuống một khu rừng và nổ tung.

Theo Kuznetsov, với kiến thức y học vào thời gian đó, có lẽ Gagarin và Seryogin không biết lao xuống quá nhanh để hạ độ cao là hành động nguy hiểm. Ngoài ra những chỉ dẫn vận hành đối với MiG-15 cũng có nhiều sai sót. Chẳng hạn, chúng không nói rõ phi công phải làm gì với các van thông khí.

Kuznetsov cũng nhận định rất có thể một phi công bất cẩn nào đó từng điều khiển chiếc MiG-15 trước Gagarin và viên phi công đó không đóng van thông khí trước khi rời máy bay.

Cho tới nay người ta vẫn nghĩ rằng Gagarin là người cuối cùng lái chiếc MiG-15 trong hai ngày trước vụ tai nạn. Nhưng Kuznetsov phát hiện một số phi công khác đã điều khiến máy bay này trước chuyến bay định mệnh của Gagarin, tờ Telegraph cho hay.

“Chẳng ai biết điều gì đã thực sự xảy ra trong chuyến bay cuối cùng của Gagarin, trừ chúng tôi. Vì thế chúng tôi phải thông báo nguyên nhân thực sự khiến nhà du hành vũ trụ đầu tiên qua đời tới nhân dân Nga và cộng đồng quốc tế. Van thông khí không được đóng kín đã gây nên toàn bộ diễn biến tiếp theo trong vụ tai nạn. Những thông tin mới cần được kiểm chứng độc lập bởi một ủy ban của chính phủ hoặc các chuyên gia nước ngoài”, Kuznetsov phát biểu.

Tuy nhiên nhiều người không đồng tình với kết luận của nhóm Kuznetsov. Chẳng hạn, họ cho rằng cú hạ độ cao khẩn cấp không thể khiến cả hai phi công bất tỉnh cùng lúc. Giáo sư Arseny Mironov - một trong những chuyên gia hàng không tham gia điều tra vụ tai nạn của Gagarin, cho rằng điều đáng tiếc là máy bay không có hộp đen.

"Do không có hộp đen, chúng ta không thể biết chính xác những diễn biến đã xảy ra trước khi máy bay rơi", Voice of Russia dẫn lời ông Mironov.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất