Điều trị bệnh điếc bằng phương pháp tế bào gốc
Kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Sheffield (Anh) cho thấy họ đã đạt được bước tiến quan trọng trong việc sử dụng tế bào gốc phôi người để chữa bệnh điếc ở chuột. Phát hiện này mở ra hy vọng về một liệu pháp điều trị cho những người bị điếc trong tương lai không xa.
Tạp chí Nature ngày 12/9 dẫn kết quả nghiên cứu trên cho biết các nhà khoa học đã thử nghiệm phương pháp cấy tế bào gốc lấy từ phôi thai người trên 18 con chuột hoàn toàn điếc một bên tai, và kết quả thu được rất khả quan.
Đầu tiên những con chuột bị điếc được tiêm 1 loại thuốc vốn có tác dụng phá hủy các dây thần kinh thính giác, gây điếc một bên tai. Sau đó, các nhà khoa học tiến hành cấy khoảng 50.000 tế bào gốc phôi người vào ốc tai điếc của những chú chuột này. Các tế bào gốc này đã được tiêm một dung dịch hóa chất đặc biệt để biến thành tế bào thần kinh hạch xoắn, nhằm phù hợp với cấu tạo của các tế bào trong ốc tai.
Kết quả cho thấy, sau khoảng thời gian 10 tuần, thính lực của những con chuột trên đã được cải thiện trung bình tới 46%, thông qua việc thẩm định các tín hiệu điện ở não. Đáng ngạc nhiên hơn, có tới 1/3 số chuột được thử nghiệm có khả năng nghe phục hồi tới 90%. Mức độ cải thiện thính lực của chuột được đánh giá là phụ thuộc rất lớn vào khả năng "hội nhập" tốt của tế bào mới với các tế bào hình xoắn trong hốc tai ở tai trong.
Kết quả thu được khá khả quan, tuy nhiên, tiến sĩ Marcelo Rivolta - trưởng nhóm nghiên cứu trên cho biết phương pháp này cũng có thể mang lại những rủi ro không lường trước được vì khi tế bào mới được cấy vào bên trong bất kỳ loại tế bào nào khác trong cơ thể người đều có thể tạo ra những khối u. Ngoài ra, chưa kể đến trường hợp hệ miễn dịch của người tiếp nhận kháng lại sự xâm nhập của các tế bào trên. Đây là một rủi ro khó có thể nhận thấy trong vòng 10 tuần đầu của nghiên cứu.
Ông Marcelo Rivolta hy vọng rằng thử nghiệm lâm sàng đầu tiên có thể được tiến hành trên bệnh nhân điếc trong vài năm tới. Tuy nhiên, các nhà khoa học sẽ phải tiếp tục những nghiên cứu sâu hơn nữa để đảm bảo tính an toàn của phương pháp trên.