Đố các bạn biết vì sao thủy thủ Popeye thích ăn rau chân vịt?
Chàng thủy thủ Popeye quen thuộc với các 8x - 9x có hẳn một cảnh kinh điển: ăn rau chân vịt và hóa siêu nhân.
Các 8x - 9x đời đầu còn nhớ Popeye chứ? Đó là tên nhân vật hư cấu trong loạt phim hoạt hình - truyện tranh cùng tên do E. C. Segar tạo ra.
Nếu đã biết về Popeye, hẳn bạn sẽ nhớ đến khung cảnh kinh điển mỗi khi chàng thủy thủ này cần đến sức mạnh để xử tên bạn đểu Pluto. Lúc ấy, Popeye sẽ khui một hộp rau chân vịt, chén sạch và lập tức cơ bắp nổi cuồn cuộn, trở thành người đàn ông mạnh nhất thế gian.
Popeye ăn rau chân vịt và trở thành siêu nhân.
Hồi nhỏ, chúng ta xem phim với phong cách vui là chính. Giờ lớn rồi nhớ lại, có bao giờ bạn thắc mắc tại sao lại là rau chân vịt chưa? Trên đời có hàng trăm loại rau, Popeye lại chọn rau chân vịt. Vì sao không phải cà rốt, khoai tây, cải xoong, cải thìa gì đó chứ?
Mọi chuyện đều có nguyên nhân của nó, nhưng lý do lần này đảm bảo bạn sẽ bất ngờ.
Tất cả là vì... nhầm
Popeye phiên bản phim hoạt hình ra đời vào năm 1933. Nhưng lý do vì sao anh chàng này - hay chính xác hơn là tác giả E. C. Segar chọn rau chân vịt thì lại đến từ một quá khứ xa hơn - năm 1870.
Thời điểm đó, nhà hóa học người Đức Erich von Wolf đã làm một nghiên cứu định lượng thành phần dinh dưỡng có trong các loại rau. Nhưng khi đến rau chân vịt - hay rau bina thì một sự cố nhỏ đã xảy ra: Wolf quên không đánh phần thập phân vào trong số liệu.
Rau chân vịt - hay rau bina.
Rốt cục theo như bản viết của Wolf, nồng độ sắt có trong rau chân vịt lên tới 35mg/100g (thực tế chỉ là 3,5mg thôi).
Dành cho những ai chưa biết thì đây là một con số khổng lồ. Nếu con số ấy là chính xác, thì ăn 100g rau sẽ giống như bạn nuốt một cái ghim kẹp giấy vậy.
Nhưng đó là chuyện sau này. Khi Erich von Wolf công bố bản báo cáo, ông không nhận ra mình đã viết thiếu, và cũng chẳng ai nhận ra cả. Rau chân vịt vì thế trở nên nổi tiếng khắp thế giới, được xem là loại rau thần thánh dành cho dân tập thể hình (sắt là yếu tố vi lượng cần thiết để củng cố cơ bắp).
Danh tiếng của Popeye và sở thích ăn rau đặc biệt đó khiến cho lượng tiêu thụ rau chân vịt ở Mỹ tăng cao.
Mãi đến năm 1937 - tức 70 năm sau khi bản báo cáo kia xuất hiện - thông tin về rau bina mới được đính chính. Nhưng Popeye khi đó đã xuất hiện và tạo được tiếng vang rất lớn rồi, nên chẳng thể thay đổi được.
Dù sao cũng thật may mắn. Tuy rằng rau chân vịt không có nồng độ sắt quá khủng như phiên bản của Wolf, nhưng các yếu tố dinh dưỡng trong đó cũng rất cao, và cực kỳ tốt cho sức khỏe.
Danh tiếng của Popeye và sở thích ăn rau đặc biệt đó khiến cho lượng tiêu thụ rau chân vịt ở Mỹ vẫn tăng 33%, ngay cả trong cuộc Đại suy thoái hồi những năm 1930.
Rau chân vịt còn được xếp vào vị trí thứ 3 trong danh sách các loại thực phẩm được trẻ em Mỹ yêu thích nhất mọi thời đại (sau gà tây và kem).