Độ cao thực sự của đỉnh Everest: Khi người ta không dám công bố sự thật vì sợ không ai tin

Khó có thể tưởng tượng những khó khăn trong quá trình đo đạc ngọn Everest cao nhất thế giới, nhất là khi con người thời đó chưa có công nghệ hiện đại.

Không còn ai xa lạ về đỉnh núi Everest, nóc nhà của thế giới với độ cao 8.848 mét tính từ mực nước biển. Sừng sững với thời gian, dãy Himalayas trải qua mọi mùa băng giá và Everest thì vẫn giữ nguyên kỷ lục độ cao của mình. Dù vậy, Himalayas vẫn không chịu được sức tàn phá tới từ con người, xoay quanh dãy núi lớn và đỉnh núi cao nhất thế giới vẫn là những vấn đề nhức nhối sinh ra bởi giống loài đông nhất Trái Đất.

Nhưng ta không ở đây để nói về những vấn đề Everest và Himalayas đang gặp phải, tôi muốn kể cho bạn sự thật về "đỉnh XV".

Việc đo đạc Everest đã được thực hiện từ lâu hơn bạn tưởng nhiều. Triều đại nhà Thanh của Trung Quốc đã nhận ra kích cỡ đồ sộ của dãy núi hùng vĩ từ năm 1715, họ vẽ và đo đạc qua về dãy núi, đặt tên nó là Núi Qomolangma.

Đến năm 1802, người Anh thực hiện dự án Khảo sát Lượng giác Lớn để điều chỉnh lại vị trí, độ cao về tên gọi của dãy núi cao nhất Trái Đất. Các nhà nghiên cứu người Anh không được phép đặt chân lên lãnh thổ Nepal, nên đã phải thực hiện đo đạc từ vùng Terai, nằm song song với dãy Himalayas.

Terai là một vùng đồng bằng ẩm ướt và đầy muỗi, ba nhà nghiên cứu bỏ mạng, hai người phải từ bỏ dự án do sức khỏe không cho phép.

Người Anh không bỏ cuộc, họ tiến hành đo đạc một lần nữa vào năm 1847. Sau nhiều nỗ lực, họ khẳng định đỉnh Kangchenjunga là nóc nhà thế giới. Tuy nhiên, Andew Waugh thuộc đoàn khảo sát nhận thấy một đỉnh núi khác cách Kangchenjunga khoảng 240km, ước tính cao hơn cả đỉnh Kangchenjunga đã được công nhận. Họ gọi nó là đỉnh "b".

Đến năm 1849, các nhà thám hiểm mới có cơ hội đo đạc đỉnh b. Tính tới thời điểm đó, tên các đỉnh núi đã được xác định bằng chữ số La Mã, Kangchenjunga có tên là Đỉnh IX, đỉnh "b" cũng được đặt tên mới là Đỉnh XV, nhân vật chính của bài viết này.

Năm 1852, cắm trại tại trụ sở khảo sát chính ở Dehradun, Radhanath Sikdar là một nhà toán học Ấn Độ, chính ông là người xác định đỉnh XV là đỉnh cao nhất dãy Himalayas, điểm cao nhất Trái Đất. Thế nhưng, tuyên bố đỉnh XV cao nhất bị trì hoãn nhiều năm: người ta liên tục muốn xác định lại các phép tính và kết quả cuối cùng, để có thể khẳng định độ cao của Đỉnh XV.

Những người nghi ngờ các con số có lý do của mình. Đội ngũ của nhà khảo sát Waugh mất tới 2 năm trời làm việc với các con số, lượng dữ liệu và các phép tính thu thập được trong nhiều năm, để đưa ra công bố vào tháng Ba năm 1856:

Điểm đặc biệt đây: thông số đo đạc cho kết quả tròn 29.000 feet, nhưng các nhà nghiên cứu lại công bố kết quả 29.002 feet, tránh việc người dân hiểu nhầm con số quá tròn kia chỉ là phép ước lượng và không tin vào kết quả thực tế.

Waught quyết định gọi đỉnh XV là Đỉnh Everest, để vinh danh người tiền nhiệm của mình, cựu trưởng đoàn khảo sát dãy Himalayas là ngài George Everest.


George Everest.

Đôi lúc làm toán, ra kết quả tròn quá, ta cũng giật mình xem lại liệu mình có làm sai ở đâu không. Mà cũng đúng là kết quả chưa chính xác tuyệt đối thật, đỉnh Everest không chỉ cao 8.840 mét.

Độ cao chính xác 8.848 mét (29.029 feet) lần đầu tiên được công bố thông qua dự án khảo sát Ấn Độ thực hiện năm 1955. Người Trung Quốc đo đạc lại vào năm 1975 và đưa ra kết quả 8.848,13 mét. Trong cả hai trường hợp, các đo đạc đều tính cả lớp tuyết dày phủ lên trên đỉnh núi đá.

Vào ngày 9 tháng Mười năm 2005, sau nhiều tháng đo đạc và tính toán, Viện Khoa học Trung Quốc chính thức công bố đỉnh Everest cao 8.844,43 mét (29.017,16 feet), với độ lệch ±0.21 m .

Họ khẳng định đây là kết quả chính xác nhất cho tới thời điểm bấy giờ, và tính bằng độ cao của mỏm đá cao nhất chứ không phải lớp tuyết phủ. Tuy nhiên, người ta vẫn công nhận kết quả cũ: đỉnh Everest cao 8.848 mét.

Everest không đứng lặng thinh suốt những năm tháng vừa rồi. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt động địa chất khiến mỗi năm, Everest cao thêm 4 mm và dịch chuyển khoảng 3 cho tới 6 mm về phía Đông Bắc. Có những nghiên cứu gợi ý Everest còn hơi co lại so với xưa.

Nhưng dù có thấp đi chút đỉnh, nó vẫn là nóc nhà của thế giới. Everest cao 8.848 mét vẫn vượt hơn hẳn đỉnh núi cao thứ nhì thế giới, đỉnh K2 với độ cao 8.611 mét.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất