Đói ăn, cá sống dưới đại dương phải nhảy lên bờ để săn mồi
Một số loài cá đang buộc phải thay đổi thói quen săn mồi khi đối mặt với điều kiện môi trường sống khắc nghiệt.
Theo thời gian, các loài động vật trên cạn như chim, gấu, và con người đã thích nghi để tìm kiếm nguồn thức ăn dưới nước. Điều tương tự có thể xảy ra với các loài cá khi chúng buộc phải thay đổi thói quen săn mồi khi đối mặt với điều kiện môi trường sống khắc nghiệt.
Thực tế đã chứng kiến một số loài cá thích nghi để thực hiện những cú bật nhảy khỏi mặt nước để tấn công những con chim săn mồi bên trên. Một số loài thì mạnh dạn hơn trong việc tiến đến gần vùng nước nông, tuy nhiên không có nhiều giống cá nước mặn "cả gan" nhảy lên bờ.
Cận cảnh hàm răng sắc của loài cá nóc có tên khoa học là titan-triggerfish.
Mới đây, theo một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Fish Biology, người ta ghi nhận thêm một loài cá thuộc họ cá nóc có gai (tên khoa học: "Titan-triggerfish") có thể phóng thân mình lên bãi biển để săn các con cua.
Khác với chủng cá nóc vốn hiền lành, loài cá này là những kẻ săn mồi phàm ăn. Với chiều dài khi trưởng thành lên tới 75cm, chúng nổi tiếng với sự hung dữ, khi thường xuyên tấn công các thợ lặn bằng hàm răng sắc nhọn, đặc biệt là tại các vùng nước gần tổ của chúng.
Matthew Tietbohl, một nhà sinh thái biển tại trường Đại học Khoa học & Công nghệ King Abdullah (Ả Rập Saudi), đã tình cờ phát hiện ra chiến thuật săn mồi mới của loài cá nóc có gai này trong lúc đi khảo sát loài rùa trên một bãi biển ở đảo Mar Mar, thuộc Biển Đỏ.
Con cá lao lên khỏi mặt nước để thực hiện đòn tấn công khiến nó mắc cạn trong giây lát.
“Chúng tôi quay lại và thấy một con cá nóc gai nhảy khỏi mặt nước nông và tự khiến nó mắc cạn trên bãi biển”, nhà nghiên cứu Tietbohl cho biết.
Tự khiến mình mắc cạn vốn là thói quen nguy hiểm đối với hầu hết các loài cá, bởi chúng không thể thở trên cạn. Tuy nhiên khi đến gần hơn, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng thứ được con cá nóc này săn đuổi là một vài con cua trong họ cua cát, đang bị kẹt lại trên bãi biển do các đợt sóng liên tiếp.
Báo cáo của Tietbohl cho biết con cá kiên nhẫn chờ đợi ở vùng nước nông nhất có thể, một mặt chúng theo dõi chi tiết chuyển động của những con cua. Khi thời cơ đến, con cá lao lên khỏi mặt nước, ngoạm lấy con cua bằng bộ hàm chắc khoẻ, sau đó dùng các cơ ở đuôi và vây để quay lại mặt nước.
Cách thức săn mồi liều lĩnh được loài cá nóc gai thực hiện.
Đã có nhiều câu hỏi thú vị được đặt ra xoay quanh cách săn mồi liều lĩnh này. Một trong số đó là làm thế nào mà con cá có tầm nhìn để thực hiện chính xác “cú nhảy” khỏi mặt nước, khi mà hiện tượng khúc xạ khiến cho việc xác định, tính toán vị trí từ dưới mặt nước là một điều không dễ.
Hiện vẫn chưa thể khẳng định rằng thói quen săn mồi này chỉ đến từ một vài cá thể, hay đã được cả giống loài thích nghi để đối mặt với tình trạng nguồn thức ăn bị đe doạ. Tuy nhiên, các nhà khoa học lưu ý rằng việc nhìn thấy một con cá nước mặn mắc cạn là điều không bình thường, vì đa số các loài cá có thói quen này đều đến từ môi trường nước ngọt.
- Đặc vụ FBI hướng dẫn "đọc vị" người nói dối
- Quyền lực thật sự của các vị Hoàng hậu Trung Hoa cổ đại là gì?
- Bằng chứng bất ngờ về 3 Mặt trăng khổng lồ có thể đầy sự sống