Đồng sáng lập Intel, cha đẻ “định luật Moore” qua đời ở tuổi 94

Các sáng tạo của ông đối với chip bán dẫn đã biến máy tính cá nhân trở thành một công cụ thiết yếu trong cuộc sống hiện đại và giúp tạo nên Thung lũng Silicon danh tiếng.

Intel và Quỹ Gordon and Betty Moore vừa thông báo, nhà đồng sáng lập Intel, ông Gordon Moore đã qua đời bên cạnh gia đình tại Hawaii ở tuổi 94. Năm 1968, cùng với người bạn lâu năm, ông Robert Noyce, ông Moore đã sáng lập nên người khổng lồ Intel ngày nay. Nhưng có lẽ danh tiếng của ông Moore phần nhiều đến từ "Định luật Moore" nổi tiếng – khi trở thành kim chỉ nam cho hoạt động sản xuất chip bán dẫn trong nhiều thập kỷ.

Định luật Moore, được viết ra từ năm 1965, với tuyên bố cho rằng số lượng bóng bán dẫn trên một mạch tích hợp sẽ tăng gấp đôi sau mỗi năm. Định luật này đóng vai trò giúp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn tiến về phía trước. Năm 1975, ông Moore điều chỉnh định luật này khi dự đoán rằng số lượng bóng bán dẫn sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 2 năm – điều đã được chứng minh là đúng cho đến ngày nay.


Ông Gordon Moore. (Ảnh Washington Post).

Sau khi là nhóm thành viên sáng lập của Fairchild Semiconductor, ông Moore và Noyce thành lập Intel vào tháng 7 năm 1968. Người đầu tiên họ tuyển dụng là Andy Grove, tạo thành nhóm bộ 3 nổi tiếng mang lại thành công cho Intel.

Ban đầu, Intel khởi sự với 2,5 triệu USD từ các nhà đầu tư và sản xuất bộ nhớ Static RAM (SRAM bộ nhớ RAM tĩnh). Sau đó vào năm 1971, công ty bắt đầu chuyển sang sản xuất bộ xử lý, với việc xuất xưởng Intel 4004 – bộ vi xử lý thương mại đầu tiên. Intel sau đó đi tiên phong sử dụng tập lệnh x86 vào năm 1978 khi họ ra mắt dòng chip huyền thoại Intel 8086 – viên gạch đầu tiên cho đế chế của họ dựa trên kiến trúc x86. Ngày nay công ty vẫn đang tập trung vào CPU và hiện có giá trị vốn hóa 167 tỷ USD.

Ban đầu ông Moore đóng vai trò phó chủ tịch điều hành cho đến năm 1975, sau đó là chủ tịch công ty cho đến khi ông được bổ nhiệm làm CEO và chủ tịch Hội đồng quản trị năm 1979. Ông rút lui khỏi vị trí CEO vào năm 1987 nhưng vẫn tiếp tục làm chủ tịch Hội đồng đến năm 1997, thời điểm ông được chỉ định làm chủ tịch danh dự. Ông giữ vị trí này cho đến khi từ chức vào năm 2006.


Bộ ba huyền thoại tạo nên Intel: Andrew S. Grove (trái), Robert Noyce (giữa) và ông Gordon Moore (phải). Ảnh chụp năm 1978. (Ảnh Washington Post).

Trong những năm cuối đời, ông Moore là một nhà từ thiện tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tồn môi trường, khoa học và chăm sóc người bệnh. Ông Moore và người vợ sống cùng 75 năm qua của mình đã thành lập nên Quỹ Gordon and Betty Moore, đã quyên góp được hơn 5 tỷ USD cho hoạt động từ thiện kể từ khi thành lập năm 2000.

Vì vai trò và tầm vóc to lớn của mình ở Thung lũng Silicon, ông Moore thường được mời đưa ra các tiên đoán về tương lai của khoa học và công nghệ. Nhưng ông thường cho rằng mình không phù hợp với vai trò này – khi đã có lần ông từng bác bỏ khái niệm máy tính cá nhân khi xem nó "như một trò đùa".

Năm 2015, ông Moore nói với New York Times, "Tầm quan trọng của internet thật sự làm tôi kinh ngạc. Ban đầu có vẻ như nó chỉ là một mạng truyền thông nhỏ giải quyết một số vấn đề nhất định. Tôi không nhận ra nó lại mở ra cả một vũ trụ với vô số các cơ hội mới. Tôi ước mình đã dự đoán được điều đó."

CEO Intel, ông Pat Gelsinger cho biết: "Gordon Moore đã định nghĩa nên ngành công nghệ thông qua tầm nhìn và cái nhìn sâu sắc của mình. Ông là người góp công khai phá sức mạnh của bóng bán dẫn và truyền cảm hứng cho các nhà công nghệ, các doanh nhân trong nhiều thập kỷ. Tại Intel, chúng tôi vẫn lấy cảm hứng từ Định luật Moore và sẽ theo đuổi nó cho đến khi cạn kiệt bảng tuần hoàn hóa học. Tầm nhìn của ông Moore thật sự là kim chỉ nam để chúng tôi sử dụng công nghệ nhằm cải thiện cuộc sống mỗi người trên Trái Đất. Sự nghiệp và phần lớn cuộc đời của tôi đã hình thành và tiếp sức từ sự lãnh đạo của ông Moore tại Intel và tôi rất vinh dự và có trách nhiệm tiếp tục phát huy di sản của ông."

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất