Động vật cũng có đời sống tình cảm?
Động vật không phải là loài vô tri, chúng cũng có đời sống tình cảm và biết quan tâm lẫn nhau. Với tựa đề “The Emotional lives of Animals” (Đời sống tình cảm của những loài động vật), tác giả Marc Bekoff đã khái quát phần nào những cung bậc cảm xúc: vui mừng, thấu cảm, đau buồn, giận dữ, yêu thương trong thế giới động vật mà ông có dịp chứng kiến trong quá trình làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành hành vi của động vật. Sách do nhà xuất bản New World Library ở Mỹ phát hành, xin lược dịch giới thiệu cùng bạn đọc.
Tháng 12-2005, cá voi lưng gù dài 15 m và nặng 50 tấn bị mắc lưới may mắn được một nhóm thợ lặn giải cứu. Sau khi được tự do, “cô nàng” cọ mũi vào từng thợ lặn rồi bơi xung quanh – một cử chỉ mà theo các chuyên gia về cá voi là “sự giao tiếp khác lạ và hiếm thấy”. Jammes Moskito, thành viên trong nhóm thợ lặn kể: “Dường như nó cảm ơn chúng tôi đã giải thoát cho nó. Con vật dừng lại cách tôi khoảng 30 cm, dùng mũi đẩy tôi như thể đang đùa giỡn. Chưa hết, khi tôi cắt chỉ lưới quấn ngang miệng thì mắt nó nhấp nháy và nhìn chằm chằm vào tôi”.
Khi phiền lòng, con vật cũng “nổi quạu” như người bởi chúng cũng có các chất truyền dẫn thần kinh như serotonin, testosterone, cũng như vùng não chi phối thái độ tức giận, gây hấn và thù hằn. Và không khó nhận ra những khi động vật giận dữ. Loài bạch tuộc cũng biết giận. Khi bị kích động, màu da trắng của chúng chuyển sang đỏ.
Suốt nhiều năm nghiên cứu Alex, tên của một con vẹt xám thông minh, chuyên gia Irene Pepperberg để ý mỗi khi có điều gì không hài lòng, Alex tỏ ra rất giận. Chẳng hạn như khi cho nó ăn thức ăn của chim thay vì hạt điều – món khoái khẩu của nó, Alex sẽ khép hai mắt lại và phùng lông biểu lộ không vừa ý.
“Vợ chồng” chó malamute (giống chó ở phía Bắc bang Alaska, Mỹ) tên Tika và Kobuk sau khi đẻ được 8 lứa, “an dưỡng” tuổi già trong nhà cô Anne Bekoff. Anne kể Kobuk mạnh bạo, hay to tiếng và “ăn hiếp” vợ. Bình thường khi ra cửa, Tika phải nhường chồng đi trước, nếu không sẽ bị “thượng cẳng tay”. Tuy nhiên, khi chân của Tika nổi bướu độc và phải cắt bỏ, Kobuk không còn hung hăng và luôn kề cận chăm sóc “vợ”.
Cá heo thường cười “tủm tỉm” mỗi khi hạnh phúc. Chó sói khi “đoàn tụ” thường hớn hở, vẩy đuôi hoặc liếm mõm với nhau. Khi gặp nhau, loài voi vỗ tai, quay tròn và cất “tiếng hú” chào mừng. Một chuyên gia nghiên cứu hành vi động vật có lần quan sát một con tinh tinh “vượt cạn”, đồng loại của chúng bày tỏ vui mừng bằng cách hú và ôm lấy nhau. Chúng thay phiên chăm sóc “sản phụ” và “đứa bé” suốt nhiều tuần.
Theo dõi đàn voi ở Khu bảo tồn quốc gia Samburu ở Kenya, chuyên gia Iain Douglas-Hamilton kể con voi BabyL bị què nhiều năm qua nhưng những con khác chưa bao giờ bỏ nó đi sau. Cả đàn đi vài bước thì dừng lại đợi con voi “cà thọt” đi tới.