Đột phá trong tế bào quang năng
Các nhà nghiên cứu của Đại học Stanford (Mỹ) cho hay đã phát minh được một dạng tế bào năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới mà theo lý thuyết, có khả năng dán dính vào bất cứ bề mặt nào.
Chuyên gia Chi Hwan Lee của đại học trên cho hay nhóm của ông đã vượt qua thách thức lâu nay trong lĩnh vực điện mặt trời, đó là các tế bào năng lượng đều khô cứng, khiến luôn bị giới hạn dưới dạng các bảng năng lượng nặng nề.
Cụ thể, các tấm phim mỏng thường được cố định trên các bề mặt cứng làm từ hỗn hợp silicon và thủy tinh. Với phiên bản “lột và dán” của Đại học Stanford, bản phim tế bào quang năng mỏng và dẻo, giúp giảm chi phí cũng như làm nhẹ đi trọng lượng của bảng năng lượng, theo thông cáo báo chí trên website của Đại học Stanford.
Các nhà nghiên cứu cho hay đã dán dính thành công bản phim lên giấy, nhựa và cửa kính, trong số những bề mặt khác. Trên lý thuyết, tế bào năng lượng này có thể được đính lên bất cứ bề mặt nào bằng băng keo 2 mặt, nghĩa là bạn có thể đặt nó lên mũ bảo hộ, điện thoại di động, cửa sổ, các thiết bị điện tử cầm tay, mái nhà, quần áo...