Dựa vào đâu để dự báo bão?
Tuần qua, bão Cimaron (bão số 7) đã làm hầu hết các trung tâm dự báo khí tượng trên thế giới, kể cả các trung tâm uy tín, phải đau đầu về việc dự báo đường đi của bão. Trên thực tế, công tác dự báo một cơn bão diễn ra như thế nào?
Hầu hết các nước trên thế giới đã hình thành nhiều trung tâm nghiên cứu và dự báo bão qui mô quốc gia và khu vực. Cho đến nay, tuy các nghiên cứu về nguyên nhân hình thành và phát triển bão đã thu được nhiều kết quả đáng kể, song việc dự báo sự xuất hiện của áp thấp nhiệt đới và bão mới ở mức cảnh báo. Chỉ sau khi bão xuất hiện và có thể xác định được vị trí trung tâm của vùng áp thấp được thể hiện qua đường đẳng áp khép kín trên bản đồ thời tiết thì công tác dự báo bão nghiệp vụ mới được triển khai thật sự.
Để có thể đưa ra các bản tin dự báo định kỳ, các nhà dự báo cần có được các thông tin cập nhật về bão, bao gồm: trường áp suất khí quyển, trường gió, hướng và vận tốc di chuyển của bão… cho các kỳ trước đó. Thông thường các kỳ dự báo bão không vượt quá sáu giờ đồng hồ.
Từ những năm đầu của thế kỷ 20, bão được phát hiện và theo dõi thông qua việc phân tích các bản đồ thời tiết (synop) dựa trên các số liệu áp suất khí quyển (khí áp), gió, mây, mưa... thu nhận được từ các đài, trạm quan trắc ven bờ biển, trên các hải đảo, trạm phao và tàu biển. Cùng với bản đồ khí áp mặt đất, các trường khí áp tại những tầng trên của khí quyển là cơ sở để các nhà chuyên môn đưa ra dự báo đường đi của bão.
Trong quá trình phát triển của cơn bão, mặt đất và mặt biển là nguồn cung cấp hơi nước và năng lượng chính cho bão. Nhưng đây lại là lực cản làm bão suy yếu. Vì vậy, để có dự báo bão tốt hơn, cần phải có được những thông tin như địa hình mặt đất, nhiệt độ nước biển…
Đến nay, nhờ hệ thống quan trắc khí tượng - hải dương không ngừng hoàn thiện và các tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là viễn thám vệ tinh, cung cấp thường xuyên các thông tin như mây, gió, nhiệt độ nước biển... cho phép phát hiện bão từ khi mới hình thành và quá trình di chuyển của nó. Việc dự báo bão cũng như thời tiết hiện đã có sự hỗ trợ mạnh mẽ của các mô hình số trên hệ thống máy tính hiệu năng cao, không những cho phép phân tích hiện trạng của bão và những tác nhân khí quyển - đất - biển mà còn có thể đưa ra dự báo trực tiếp đường đi, cường độ bão, phạm vi và mức độ ảnh hưởng của chúng.
Tuy nhiên, do các mô hình này đều có những sai số nhất định, bao gồm: sai số phương pháp, sai số do thông tin đầu vào và sai số do tính toán... nên tại các trung tâm dự báo người ta vẫn xem những kết quả mô hình như sự trợ giúp động lực cho dự báo viên. Như vậy, vai trò của người làm dự báo luôn có tính quyết định vì họ phải phân tích, tổng hợp nhiều kết quả dự báo theo những phương pháp và mô hình khác nhau, nhằm đưa ra được một quyết định chính xác nhất.
Vì thế, trong quá trình dự báo cơn bão Cimaron vừa qua, các trung tâm dự báo khác nhau đã đưa ra những kết quả trái ngược nhau. Do những trợ giúp động lực mà họ sử dụng không giống nhau nên những người chịu trách nhiệm dự báo đã không thể thống nhất. Những sự khác biệt này chỉ có thể được khắc phục khi độ tin cậy của các mô hình dự báo trợ giúp hoàn thiện hơn, đội ngũ các dự báo viên đạt trình độ chuyên môn cao hơn. Đồng thời, khi khả năng trao đổi thông tin giữa các chuyên gia trong và ngoài nước được mở rộng hơn sẽ cho phép “hội chẩn” kỹ hơn trước khi đưa ra dự báo.
Ở VN hiện nay, trong điều kiện vật chất còn hạn chế, việc đầu tư xây dựng thêm những trung tâm dự báo bão và thời tiết hiện đại là chưa cần thiết. Những giải pháp cần được ưu tiên hàng đầu là đồng thời với việc nghiên cứu phát triển những mô hình dự báo khác nhau, cần đào tạo các chuyên gia trình độ cao trong lĩnh vực dự báo bão nhiệt đới.
Vai trò của biển Đông không những quan trọng đối với phát triển kinh tế và an ninh mà còn là tác nhân chủ yếu lên sự phát sinh, phát triển, hoạt động và tác động của bão nhiệt đới đối với nước ta. Do đó không thể tách rời yêu cầu nghiên cứu dự báo bão khỏi công tác nghiên cứu khoa học về biển Đông, trong đó có khí tượng, khí hậu biển.