Đùi lợn muối hơn 100 năm còn ăn được

Từ thứ bỏ quên trong nhà kho, chiếc đùi lợn muối trở thành "thú cưng" được chủ mua bảo hiểm 1.000 USD và chi 5.000 USD thuê người trông coi.

Năm 1931, P. D. Gwaltney Jr. bước vào một khách sạn tại Washington D.C. với chiếc vali trong tay và hỏi khách sạn liệu có thể xếp nó vào nhà kho không. Nhân viên lễ tân nhìn xuống rồi hỏi xem vali chứa thứ gì quan trọng đến vậy. Ông Gwaltney đáp: "Ồ, chỉ là chiếc đùi lợn muối cưng của tôi thôi".

Gwaltney không đùa, ông là một chuyên gia, sở hữu một trong những công ty bán đùi lợn xông khói có tiếng nhất vùng Virginia. Ông luôn đem chiếc đùi lợn 30 tuổi của mình để trưng bày tại những hội chợ, show diễn ẩm thực, hay thậm chí trên những con tàu của hải quân. 


Như một thú cưng, chiếc đùi lợn của ông Gwaltney cũng có vòng cổ riêng. (Ảnh: Bảo tàng Hạt Isle of Wight).

Gwaltney thực sự nghiêm túc với "thú cưng" của mình khi phải nhờ tới nhân viên bảo vệ của khách sạn trông coi nó. Một công ty bảo hiểm định giá chiếc đùi lợn muối này khoảng 5.000 - 77.000 USD, theo tỷ giá tiền tệ ngày nay.

"Bất cứ khi nào tới một buổi hội chợ, Gwaltney lại mua một sợi dây xích đặc biệt và cố định xuống sàn, để không ai có thể lấy cắp chiếc đùi xông khói", Tracey L. Neikirk, người phụ trách Bảo tàng Hạt Isle of Wight ở Smithfield (Virginia), cho hay. 

Đó là một phần trong kế hoạch marketing tài tình giúp thị trấn Smithfield, quê hương của Gwaltney, trở thành thủ phủ thịt xông khói của thế giới. Đến mức, Nữ hoàng Victoria từng đặt mua 6 chiếc đùi lợn muối Smithfield chỉ trong một tuần vào thế kỷ 19. Khi những kẻ làm ăn gian dối bắt đầu bán thịt kém chất lượng, giới chức Virginia đã tạo ra các quy tắc nghiêm ngặt cho đùi lợn muối Smithfield: Lợn phải có chế độ ăn với khẩu phần đặc biệt là lạc, và thịt xông khói chỉ được chế biến trong lãnh thổ bang.

Sự nghiệp của Gwaltney bắt đầu từ năm 1891, khi ông cùng cha kinh doanh lạc và giúp gia đình mở rộng hoạt động của công ty với dây chuyền muối đùi lợn. Gwaltney đã học hỏi từ chính cha mình về bài học marketing. Năm 1890, cha Gwaltney đào một củ lạc từ một cánh đồng ở địa phương, khắc lên đó số 1890 và lấy nó làm mẫu để giới thiệu cho bất cứ ai tò mò về chất lượng nông sản của ông. Nhiều năm sau đó, cha Gwaltney nhận ra con số viết trên củ lạc tự tạo nên giá trị cho nó.


Củ lạc nhiều tuổi nhất thế giới của cha Gwaltney cũng trở thành hiện vật trong bảo tàng. (Ảnh: Bảo tàng Hạt Isle of Wight).

Tới năm 1902, Gwaltney quyết định thực hiện một chiến dịch tương tự cho riêng mình khi lôi từ trong nhà kho ra một chiếc đùi lợn muối vô tình bị bỏ quên. Khi phát hiện điều này, ông đã đánh hơi thấy cơ hội kinh doanh béo bở và quyết định giữ lại để xem nó có thể được bảo quản trong bao lâu.

Tháng 8/1921, kho lạc của nhà Gwaltney bị cháy, hàng tấn lạc và một nhà chứa thịt xông khói cũng bắt lửa. Theo Bảo tàng Hạt Isle of Wight, mùi lạc cháy và mỡ chảy còn rõ trong không khí tới hàng tuần. Chiếc đùi lợn cưng của Gwaltney may mắn an toàn.

Dây chuyền sản xuất lạc vĩnh viễn không thể hồi phục, Gwaltney điên cuồng quảng bá những sản phẩm thịt xông khói của nhà máy - và dùng đến "thú cưng" của mình. Đầu tiên, ông mua bảo hiểm 1.000 USD cho nó, tiếp đó chi 5.000 USD cho khâu bảo vệ.

Năm 1932, chiếc đùi lợn xuất hiện trong cuốn sách Believe It or Not (Tin Hay Không Tùy Bạn) của Robert Ripley, với lời khẳng định nó "còn mềm ngọt và vẫn có thể ăn được sau 30 năm".


Đùi lợn cưng của ông Gwaltney ngày nay. (Ảnh: Bảo tàng Hạt Isle of Wight).

Ngày nay, chiếc đùi lợn 117 tuổi có màu nâu đỏ cháy, từng thớ thịt rõ vệt vàng vệt trắng, và bên ngoài phủ một lớp da khô cứng với những vết nhăn hằn sâu. Nó nằm trong một tủ kính của Bảo tàng Hạt Isle of Wight, cùng hai chiếc đùi lợn xông khói khác - một trong số đó là đùi lợn muối lớn nhất thế giới nặng 29,4 kg với lớp mỡ dày đẫm dầu lạc.

Theo Tracey L. Neikirk, đùi lợn hơn 100 tuổi này có mùi hương của khói và gỗ, dù nó còn ăn được nhưng vị không thể ngon như xưa. "Hiện nó giống một miếng thịt lợn khô hơn. Nó sẽ không còn vị ngọt của thịt", Neikirk nói.

Quá trình xông khói - ướp muối thịt và rút khô mạch máu - giúp đùi lợn được bảo quản lâu hơn và ngày càng có vị đậm đà. Nhưng phần lớn đùi lợn xông khói đạt tới độ "chín" sau một hoặc hai năm. "Trải qua một thời gian dài như vậy, không biết thịt từng được xông khói ra sao, tôi không chắc nó an toàn để ăn", một phát ngôn viên của Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm (FSA) cho biết.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất