Dùng chất gây nghiện để trị chứng nghiện rượu
Đôi khi từ bỏ một việc gì đó cũng khó khăn hơn là chúng ta tưởng, chẳng hạn như bỏ rượu hay bỏ thuốc lá đối với những người sử dụng thường xuyên và mắc chứng “nghiện”. Việc có thể từ bỏ rượu hay thuốc lá luôn đòi hỏi người “nghiện” phải sử dụng các công cụ, phương pháp hỗ trợ nhưng hiệu quả đem lại thường không cao như mong đợi.
Mới đây, các nhà khoa học Pháp vừa xác nhận một loại thuốc nhằm giúp trị chứng nghiện rượu với hiệu quả rất cao, điều đặc biệt là loại thuốc này không phải là một phát minh mới và có thành phần chứa... ma túy.
Thuốc Baclofen - thường có tên thương mại là Kemstro, Lioresal và Gablofen - ban đầu được sản xuất để điều trị chứng co thắt thần kinh. Mặc dù chưa được chứng minh đạt hiệu quả trong tất cả các trường hợp điều trị chứng nghiện rượu, nhưng loại thuốc này đã được khẳng định: “có khả năng cung cấp các lợi ích lâm sàng đối với một số bệnh nhân”.
Theo thời báo Medical Express, tại đất nước Pháp, chỉ với tính năng trên loại thuốc này đã có thể được sử dụng để điều trị một số trường hợp cụ thể nhất định, đương nhiên dưới sự giám sát và điều trị của các bác sỹ, chuyên gia y tế.
Ý tưởng về việc sử dụng ma túy để điều trị chứng nghiện rượu đã từng xuất hiện vào năm 2008 tại Pháp. Olivier Ameisen, một chuyên gia tim mạch người Pháp đã viết trong cuốn sách “The End of My Addiction” của mình rằng ông sử dụng ma túy liều cao để trị chứng nghiện rượu của bản thân.
Trong một cuộc thử nghiệm nhỏ được tiến hành với 132 trường hợp nghiện rượu nặng, thuốc Baclofen đã thành công với việc giúp 80% trường hợp uống rượu vừa phải và điều độ hơn. Trong thực tế, mọi loại thuốc trị chứng nghiện rượu từ trước cho đến nay đều chỉ đạt hiệu quả từ 20% đến 25%.
Tuy nhiên, loại thuốc Baclofen cũng gây một số tác dụng phụ nhất định đối với người sử dụng như: chóng mặt, buồn ngủ, mệt mỏi, mất ngủ và gặp một số vấn đề về tiêu hóa. Nhưng những tác dụng phụ này còn ít nguy hiểm và nghiêm trọng hơn nhiều so với chứng xơ gan mà việc nghiện rượu mang lại.