Dùng dữ liệu vệ tinh để phát hiện trộm mộ cổ

Các nhà khoa học trên thế giới hiện đang sử dụng hình ảnh từ vệ tinh có độ phân giải cao để xác định những nơi mà các băng nhóm trộm mộ đang rình mò cướp phá.

Các ngôi mộ nằm ở một vùng xa xôi của Tây bắc Trung Quốc hiện đang trong tầm ngắm của những nhóm trộm mộ cổ chuyên nghiệp, các chuyên gia từ Đại học Bern ở Thụy Sĩ và Đại học Sydney, Australia cảnh báo.

Một số lượng lớn các di sản văn hóa thời kỳ đồ sắt sớm ở khu vực này là mục tiêu bị nhòm ngó lâu nay và thực tế nó đã diễn ra. Bất chấp các biện pháp ngăn chặn, vấn nạn trộm mộ cổ vẫn tiếp diễn.


Những món đồ cổ là mục tiêu của các băng nhóm trộm mộ cổ.

"Chúng tôi đặc biệt chọn một khu vực đáng quan tâm ở Tân Cương, Trung Quốc. Do vị trí địa lý xa xôi và sự bảo vệ gắt gao của lực lượng an ninh trong khu vực, rất may các ngôi mộ cổ còn khá nguyên vẹn", nhà nghiên cứu Gino Caspari, đến từ Viện Khoa học khảo cổ tại Đại học Bern cho biết.

Tuy nhiên, dữ liệu vệ tinh cho thấy những kẻ cướp bóc đã tìm được cách "viếng thăm" hầu hết các ngôi mộ. Hơn 74,5% số mộ cổ chôn cất được phân tích đã bị phá hủy và cướp bóc.

Các bộ lạc du mục cổ đại trong khu vực thường chôn cất người chết của họ trong các gò đất lớn kèm theo các đồ bồi táng là trang sức bằng vàng và vũ khí tinh xảo. Đây chính là mục tiêu hấp dẫn cho những kẻ trộm mộ.

Gaspari đã nghiên cứu dữ liệu vệ tinh từ năm 2003 và thấy rằng, từ đó đến nay, số lượng ngôi mộ bị cướp phá đã tăng lên đáng kể.

"Các địa điểm khảo cổ chưa được chạm tới cuối cùng của những người du mục thảo nguyên cổ đại đang bị đe dọa nghiêm trọng", Gaspari lo lắng.

Sử dụng dữ liệu vệ tinh đóng một phần vô cùng quan trọng trong việc phát hiện ra các ngôi mộ cổ cho các nhà khảo cổ học.

Trước đó, các chuyên gia cũng đã từng khai thác hình ảnh vệ tinh gián điệp và máy bay không người lái để giúp xác định vị trí của một thành phố cổ bị mất ở Bắc Iraq hay tìm kiếm các khu định cư của người Viking ở Bắc Mỹ.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất