Elon Musk dấn thân thành công vào lĩnh vực cung cấp Internet bằng vệ tinh vũ trụ

Lý do gì để Elon Musk đưa SpaceX của mình vào một cuộc đua mà những người tiền nhiệm hầu hết đã bỏ cuộc?

Khi mà tuần vừa rồi, SpaceX thành công trong việc phóng lên quỹ đạo hai vệ linh liên lạc mới, thì Elon Musk – CEO của SpaceX đã chính thức đưa công ty mình bước vào một cuộc đua vũ trụ mà trước đó, rất nhiều doanh nghiệp đã thất bại.

Hàng tỷ USD đã bốc hơi trong sứ mệnh cung cấp dịch vụ Internet cho khu vực quỹ đạo thấp của Trái đất. Ta có Globalstar Inc và Iridium Communication Inc dù đã tuyên bố phá sản nhưng vẫn cố gắng ít nhiều, ta cũng có những công ty được Bill Gates, Boeing chống lưng nhưng cũng thất bại.


Elon Musk chính thức đưa công ty mình bước vào một cuộc đua vũ trụ mà trước đó, rất nhiều doanh nghiệp đã thất bại.

"Chưa có gì thay đổi từ lúc ấy đến giờ, chỉ trừ mức người ta kích động mỗi khi nghe tới dự án này và những mong đợi phi thực tế", đó là nhận định của nhà phân tích Roger Rusch đưa ra trong một buổi phỏng vấn. Ông nguyên là chủ tịch của TelAstra Inc.

SpaceX của Musk, OneWeb của Greg Wyler, Boeing, Telesat của Canada là những công ty đã xin Ủy ban Truyền thông Liên Bang (FCC) cung cấp dịch vụ băng thông rộng thông qua hệ thống vệ tinh. Nhưng ông Rush nói rằng nếu những công ty trên muốn bước vào cuộc đua này, họ phải vượt qua những trở ngại công nghệ.

Những hệ thống cung cấp dịch vụ cho vùng quỹ đạo thấp cần những phần mềm phức tạp để có thể chạy được một lưới vệ tinh, bên cạnh đó là hệ thống ăng-ten mặt đất có thể gánh được dự án này. Chi phí sẽ sớm lên cao, ông Rusch kết luận.


Hai vệ tinh được phóng thành công tuần vừa rồi của Elon Musk đều là hàng thử nghiệm.

sateBoeing đang xin cấp phép 60 vệ tinh, và mới năm ngoái, FCC cho phép OneWeb sử dụng một mạng lưới 720 vệ tinh để cung cấp dịch vụ tại Mỹ.

Còn SpaceX, ban đầu dự án của họ "chỉ" cần tới 4.425 vệ tinh thôi, nhưng mới đây họ đã xin cấp phép tổng cộng là 7.518 vệ tinh. Chủ tịch của FCC, Ajit Pai đã hậu thuẫn lời đề nghị này của Musk, nhiều khả năng rằng FCC sẽ cho phép SpaceX phóng lên lượng vệ tinh khổng lồ kia.

Hai vệ tinh được phóng thành công tuần vừa rồi đều là hàng thử nghiệm. John Taylor, phát ngôn viên của SpaceX, đã nói thế này trong email tuyên bố của mình: "Kể cả khi những vệ tinh này hoạt động như dự kiến, chúng ta vẫn có một khối lượng công việc kỹ thuật lớn trước mắt, để ta thiết kế và triển khai hệ thống vệ tinh quỹ đạo thấp". Nó sẽ cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao cho những khu vực ít người ở (đồng nghĩa với khu vực ít dịch vụ). Tuyên bố này không kèm giá thành dịch vụ SpaceX cung cấp.


Vệ tinh ở quỹ đạo thấp có lợi thế hơn: hiển nhiên là gần hơn thì nhận và phát tín hiệu băng thông rộng tốt hơn.

Vệ tinh tại quỹ đạo thấp sẽ hoạt động ở khoảng 80 cho tới 2000km so với mặt đất, cứ 90 phút nó sẽ hoàn thành một vòng quanh quỹ đạo Trái đất. Những vệ tinh liên lạc truyền thống hoạt động ở độ cao lớn hơn nhiều, khoảng 36.000km so với mặt đất và gần như lơ lửng ở một vị trí nhất định, bởi một vòng quỹ đạo của nó khớp với vòng quay của Trái đất.

Vệ tinh ở quỹ đạo thấp có lợi thế hơn: hiển nhiên là gần hơn thì nhận và phát tín hiệu băng thông rộng tốt hơn, đỡ "lag" hơn. Chủ tịch của Tổ chức Công nghiệp Vệ tinh, Tom Stroup đã nói thế này: "Chúng ta đã vượt qua giai đoạn thử nghiệm lâu rồi. Ta đang tiến tới thế hệ vệ tinh tiếp theo". Không chỉ vệ tinh, mà nhiều chuyên gia nhận định rằng hệ thống mặt đất cũng đã tiên tiến hơn mà rẻ hơn rồi.

Không chỉ vệ tinh rẻ, hệ thống mặt đất rẻ mà việc phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo cũng rẻ. Tất cả là nhờ SpaceX. Bằng việc tái chế tên lửa, họ giảm chi phí mỗi phần phóng thiết bị ra ngoài Vũ trụ xuống rất nhiều. Hai vệ tinh vừa phóng tuần vừa rồi chỉ là bước đầu tiên trong kế hoạch đầy tham vọng của Musk: cung cấp Internet cho toàn cầu.

Chính ông nói rằng hệ thống này tiêu tốn khoảng 10 tỷ cho tới 15 tỷ USD để hoàn thiện, thậm chí là hơn. Nhưng một khi nó đi vào hoạt động, nó sẽ mang về cho SpaceX một số tiền không nhỏ. Chính số tiền ấy sẽ là tiền quỹ để Musk xây thành phố trên sao Hỏa.


Musk nói rằng, hệ thống này tiêu tốn khoảng 10 tỷ cho tới 15 tỷ USD để hoàn thiện.

Một công ty khác đang tham gia cuộc đua dịch vụ này đó là OneWeb. Hiện tại họ đang kết hợp với Airbus để xây dựng hệ thống vệ tinh tại Pháp và Florida, Mỹ. Dự án này đã lôi kéo được các khoản đầu tư từ Qualcomm, Virgin Group và SoftBank Group. Công ty vệ tinh Intelsat dự tính sẽ cung cấp dịch vụ cho OneWeb một khi OneWeb hoàn thành hệ thống của mình, dự kiến vào năm 2020.

Trong năm nay, OneWeb sẽ tiến hành phóng vệ tinh và dự kiến, cứ 3 tới 6 tuần họ sẽ có một đợt phóng. Một dự án mà người sáng lập và cũng làchủ tịch của OneWeb, Greg Wyler gọi là "cầu nối nối liền những khu vực bị kỹ thuật số chia cắt sẽ hoàn thiện vào năm 2027".

Không phải mọi thứ đều suôn sẻ, tương lai của thứ dịch vụ này vẫn sóng gió lắm: Nó phải dựa vào sức mua và lượng tiền mà khách hàng sẵn sàng bỏ ra là bao nhiêu. Giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts, Vincent Chan nói rằng: "Dự án có hiệu quả về mặt công nghệ không đồng nghĩa rằng nó cũng có hiệu quả về mặt tài chính. Ai ở Châu Phi sẵn sàng trả 100 USD một tháng cho dịch vụ này? Có thể 10 USD thì họ gánh được. Nếu là 1 USD, thì chắc chắn là ổn".

Tom Stroup vẫn tự tin vào tương lai của những dự án trên.

"Người chiến thắng cuối cùng của tất cả các dự án này sẽ vẫn là người tiêu dùng. Họ sẽ có nhiều lựa chọn giữa một thị trường đầy vệ tinh băng thông rộng như thế này".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất