Em bé 'biến đổi gien' đầu tiên chào đời
Các bác sĩ cho hay 3 thế hệ phụ nữ trong gia đình cô bé đều bị ung thư vú và ung thư buồng trứng trong độ tuổi đôi mươi, song em bé mới chào đời nói trên sẽ không phải đối mặt với nguy cơ đó.
"Chúng tôi đã chấm dứt được sự hoành hành của căn bệnh ung thư vú trong gia đình cô bé trong nhiều thế hệ", Paul Serhal, một chuyên gia của bệnh viện thực hiện ca tác động gene tuyên bố.
Mẹ cô bé thụ thai bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Các bác sĩ lấy tế bào từ phôi thai để xét nghiệm gene bằng kỹ thuật chẩn đoán di truyền để phát hiện và loại bỏ những gene có khả năng gây bệnh ung thư vú. Theo đó chỉ những phôi không có gene mang tên BRCA1 mới được cấy vào tử cung người mẹ.
Những người mang gene BRCA1 có 80% nguy cơ mắc ung thư vú và 60% nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Bác sĩ Paul Serhal cho biết, bố mẹ bé gái được tư vấn cặn kẽ trong quá trình điều trị. Sau đó 5 phôi không có gene BRCA1 đã được cấy vào cơ thể người mẹ và một phôi trong số này phát triển thành bào thai.
Nhiều nhà khoa học lo ngại rằng kỹ thuật chẩn đoán gene di truyền có thể dẫn tới sự ra đời của những đứa trẻ "theo khuôn mẫu", tức là người ta có thể chọn màu mắt, chiều cao, thậm chí cả chỉ số thông minh, cho các bé. Một số người phản đối kỹ thuật này cho rằng đứa trẻ không mắc ung thư vú có thể là bước đi đầu tiên tới viễn cảnh đó.
"Tôi cho rằng đó là một sự hiểu lầm. Thật buồn cười khi người ta đem kỹ thuật loại bỏ một gene có thể gây bệnh ung thư với việc tạo ra những đứa trẻ hoàn hảo giống như tham vọng tạo ra một chủng tộc thượng đẳng của phát xít Đức trước kia", Paul nhấn mạnh.