Estonia - Quốc gia "kỹ thuật số" đầu tiên trên thế giới

Sở hữu một chính quyền thực tiễn, xuyên biên giới, an toàn và bảo mật nghiêm ngặt, quốc gia thuộc Liên Xô cũ này dường như đã tìm ra được chìa khoá đến tương lai.

Dưới đây là bài viết của tác giả Nathan Heller tờ New Yorker về cách chính phủ áp dụng công nghệ vào mọi mặt đời sống của quốc gia thuộc khu vực Baltic.

Tọa lạc trên vùng vịnh Estonia là cao tốc 5 làn xe uốn lượn theo dòng chảy bờ biển, dẫn đến một cộng đồng dân cư khép kín. Cổng chính khu dân cư khá thấp, như được dựng lên chỉ để ngăn cát biển theo gió bay vào bên trong. Từ Talinn - thủ đô Estonia, những chiếc xe lao về khu dân cư với tốc độ đến chóng mặt.

Đằng sau cánh cổng là nơi sinh sống của Taavi Kotka và gia đình. Kotka từng giữ cương vị Tổng Giám đốc Công nghệ thông tin (CNTT) Estonia trong 4 năm. Anh cũng là một trong những cái tên nổi bật của dự án e-Estonia: Nỗ lực chính phủ biến Estonia thành quốc gia kỹ thuật số.

E-Estonia là dự án tham vọng nhất trong lĩnh vực quản lý công tính đến nay, bởi tác động trực tiếp đến tất cả công dân, từ thành viên chính phủ đến người dân bình thường. Những dịch vụ e-Estonia hướng đến là luật pháp, hình thức bỏ phiếu, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, ngân hàng, thuế,... tất cả đều được mã hoá, liên kết cả nước.

“Mọi thứ ở đây đều được robot hóa", Kotka nói, “Robot ở đây, robot ở kia". Đôi khi anh còn cảm thấy chúng có cả linh hồn.

Khi Kotka đang giữ chức Tổng giám đốc CNTT Estonia cũng là giai đoạn e-Estonia đạt được những thành công vang dội. Ngày nay, công dân Estonia có thể bỏ phiếu bầu cử hoặc khiếu nại vé phạt đậu xe ngay trên laptop của mình. Nhờ vào chính sách “once only", không có bất kỳ thông tin nào phải nhập quá 2 lần. Thậm chí ở đây, bạn không cần điền vào tờ khai bệnh tại phòng khám bởi mọi thứ đã được lưu vào thẻ ID, kể cả hồ sơ bệnh án.

Mô hình này giúp giảm bớt thủ tục rườm rà, biến các công việc rắc rối như khai thuế trở nên nhanh gọn hơn. “Khi một cặp đôi muốn cưới, mọi thủ tục ở cơ quan có thẩm quyền đều dễ dàng được thông qua”, Andrus Kaarelson, Cục trưởng Hệ thống Thông tin Estonia cho biết. Ngoại trừ chuyển giao các tài sản có giá trị như mua bán nhà cửa, những thủ tục giấy tờ khác đều có thể thực hiện online.

Estonia là quốc gia thuộc khu vực Baltic với dân số 1,3 triệu người, diện tích 4 triệu hecta với một nửa là rừng núi. Chính phủ xem công nghệ số hoá này như một giải pháp tiết kiệm cả về tiền bạc lẫn nguồn nhân lực.

Nhờ có chính phủ điện tử, Estonia đã tiết kiệm được khoản tiền tương đương 2% GDP cả nước, bằng chi phí phải trả để có sự bảo hộ của NATO (Estonia và Nga có quan hệ không tốt với nhau). Cựu tổng thống Estonia Toomas Hendrik Ilves thường đùa rằng họ được chống lưng bởi NATO mà chẳng phải tốn đồng nào.

Thành công của e-Estonia kéo theo nhiều lĩnh vực khác. “Nếu mọi thứ đều được số hoá và xử lý online, bạn có thể điều hành một quốc gia xuyên biên giới", Kotka nói. Vào năm 2014, chính phủ Estonia thực hiện chương trình số hoá công dân, cho phép người nhập cư nước ngoài được quyền sử dụng một số dịch vụ thông minh như người dân Estonia.

Estonia là đất nước có tỷ suất đánh thuế nhà đất thấp nhất trong khối EU, do đó đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư đặt văn phòng ở đây. Ngoài ra, quốc gia này còn có tiếng rộng rãi với các quy định về nghiên cứu và phát triển công nghệ. Việc chạy thử ôtô không người lái cấp độ 3 (người lái vẫn có quyền kiểm soát) đã được chính phủ hợp thức hoá trên mọi tuyến đường. Trong khi đó, chạy thử ôtô không người lái cấp độ 5 (hoàn toàn tự lái) vẫn đang được cân nhắc.

Một buổi chiều nọ, tôi gặp Anna Piperal, đại sứ công nghệ e-Estonia ở một buổi triển lãm về công nghệ. Triển lãm này quy tụ tất cả thành công của một chính phủ số hoá, từ Skype cho đến Timbeter (ứng dụng thiết kế giúp tính khối lượng lượng gỗ lớn).

Piperal lấy thẻ ID cắm vào laptop và nhập password. “Mã PIN này là chìa khoá cho mọi thứ”, Piperal giải thích, “Hãy bắt đầu với dữ liệu cá nhân của tôi”. Cô lướt chuột đến một file trên màn hình “Trong này lưu trữ số tài khoản, số điện thoại cá nhân, e-mail, thông tin tài sản cá nhân cũng như giấy tờ nhà đất”.

Một file lưu lại tất cả thông tin về công việc, một file để lưu lịch sử tham gia giao thông, thông tin bảo hiểm xe. Cô chỉ vào ô trống trên màn hình, “Tôi không nợ bất kỳ khoản thuế nào, nếu có nó sẽ hiện ra ở đây, trong file Thuế này. Tôi lấy bằng Thạc sĩ ở Đại học Công nghệ Tallinn, nên nó sẽ ở đây”, Piperal chỉ vào file Học vấn.

X-Road

Để phòng tránh nguy cơ rò rỉ dữ liệu, Estonia đã xây dựng nền tảng X-Road, lưu trữ dữ liệu thông qua những liên kết được mã hoá. Thay vì lưu dữ liệu ở cùng một nơi, chúng được phân ra tách biệt. Thuộc sở hữu của chính phủ Estonia song X-Road lại được nhiều công ty lớn sử dụng.

Phần Lan, láng giềng của Estonia gần đây cũng bắt đầu ứng dụng X- Road. Điều này giúp hai quốc gia dễ dàng chia sẻ thông tin với nhau, giúp người dân có thể mua đơn thuốc ở bất cứ đâu. Một hình thái quan hệ quốc tế mới dường như đã xuất hiện.

X-Road ngày càng trở nên hấp dẫn hơn nhờ vào cơ chế bảo mật nghiêm ngặt: Giáo viên của Piperal có thể vào X-Road để nhập điểm môn học cho Piperal nhưng lại không thể truy cập vào dữ liệu tài chính của cô. Thậm chí, các bác sĩ cũng không thể nào xem được các file bệnh án của Piperal nếu như không có sự cho phép.

“Tôi sẽ cho anh xem hồ sơ sức khoẻ của tôi", cô nói, “Bác sĩ có thể xem thông tin bệnh án của tôi do các bác sĩ khác thu thập được". Piperal cũng có thể khoá chúng lại, không cho phép bất kỳ bác sĩ nào truy cập những thông tin đó.

Hệ thống của Estonia cho rằng mọi người có quyền bảo vệ tất cả những thông tin liên quan đến bản thân. Mỗi lần một bác sĩ, nhân viên cảnh sát, giám đốc ngân hàng, thậm chí là bộ trưởng truy cập vào bất kỳ thông tin nào sở hữu bởi Piperal, chúng đều sẽ được ghi lại và thông báo đến cô. Nhìn trộm thông tin cá nhân người khác không có lý do chính đáng là một tội ác ở đây.

Ở Estonia, thông tin về kinh doanh và đăng ký nhà đất được công khai, Piperal có thể dễ dàng truy cập vào hồ sơ thông tin của một chính trị gia. “Cùng xem thông tin nhà đất của ông ta nào", cô nói. “Anh có thể thấy ở đây hiện thông tin ba mảnh đất mà ông ấy sở hữu. Nó ở đây", Piperal click vào đường link dẫn đến tấm ảnh vệ tinh chụp một căn nhà trên bãi biển.

Điều này thực sự gây ngạc nhiên. Ở những nơi khác, tìm kiếm, xác định thông tin các những người quyền thế là một chủ đề nhạy cảm và thường tốn rất nhiều thời gian.

E-residency

Không lâu sau khi trở thành Giám đốc CNTT, Taavi Kotka được giao một dự án đầy táo bạo: phát triển dân số cho Estonia. Song phần lớn nội dung dự án hướng đến lại là kinh tế. “Các quốc gia cũng giống như doanh nghiệp", ông nói “họ luôn muốn làm giàu cho bản thân".

Dự án hoàn thành dưới tên gọi “Công dân điện tử" (e-residency), cho phép người dân các nước khác trở thành công dân Estonia mà không cần đặt chân đến quốc gia này. E-residency cũng cho phép họ sử dụng tiện ích dịch vụ điện tử của Estonia từ xa.

Mất khoảng 10 phút để nộp đơn đăng ký “công dân điện tử” Estonia, với chi phí cho phiếu điền online mất 100 euro. Sau khi hoàn thành, tôi phải trực tiếp đến đại sứ quán Estonia ở New York để nhận các loại giấy tờ ủy quyền.

Tính đến nay, hơn 28.000 người đã nộp đơn đăng ký trở thành “công dân điện tử" Estonia, hầu hết đến từ các quốc gia láng giềng như Phần Lan, Nga, Ukraine, Italy và Ukraine. Phần lớn trong số đó là các doanh nhân đang tìm kiếm môi trường phù hợp để phát triển lâu dài.

Với sự xuất hiện của quá nhiều doanh nghiệp nước ngoài, thật khó để các doanh nghiệp trong nước bỏ qua cơ hội đầu tư. Tôi đã đến tham quan khu làm việc chung Lift99, tọa lạc trong khu phức hợp Telliskivi Creative City. Quản lý Lift99 dẫn tôi đi tham quan một vòng, chỉ một vài công ty ở Lift99 là doanh nghiệp trong nước, hầu hết còn lại là doanh nghiệp nước ngoài đến đây với hy vọng có chỗ đứng vững chắc tại Estonia.

E-ambulance

Đối với các bác sĩ, những ứng dụng tỏ ra giúp ích rất nhiều cho công việc của họ. Tôi gặp Arkadi Popov, một bác sĩ làm việc tại Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ Bắc Estonia. Ông cho tôi xem e-ambulance, ứng dụng cho phép các y tá truy cập vào hồ sơ bệnh án để chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả hơn. Ngoài ra, e-ambulance còn cho phép y tá sắp xếp giường bệnh, đặt trước lịch xét nghiệm, phẫu thuật cho bệnh nhân.

Beljuskira tình nguyện giúp tôi hiểu rõ hơn về ứng dụng. Cô dẫn tôi đến phòng làm việc của bệnh viện. Tại đây cô có thể sắp xếp thứ tự các ca mổ, phòng mổ sao cho trang thiết bị của bệnh viện được sử dụng một cách tối ưu nhất.

Ngoài ra, khi muốn xem thông tin bệnh án của bất kì bệnh nhân nào, tên của cô cũng được lưu lại trên hồ sơ, ngay lập tức sẽ có một cuộc gọi đến để xác nhận cũng như tìm hiểu lý do. Ứng dụng cũng cảnh báo bác sĩ về nguy cơ dị ứng thuốc của bệnh nhân, nếu đơn thuốc có thành phần gây dị ứng cho bệnh nhân hay phản ứng với những đơn thuốc khác, màn hình sẽ hiện logo lá cờ màu đỏ.

Tôi có vinh dự được gặp Tarvi Martens, được xem là người đặt viên gạch đầu tiên cho nền tảng kỹ thuật số của Estonia. Ông chỉ ra công nghệ kỹ thuật số đã xoa dịu nhiều vấn đề trong dân chúng suốt những thập kỷ qua. Năm 1970, một dự án áp dụng mã hoá thông tin cá nhân đã giúp những người độc thân tìm thấy nửa còn lại của mình. Theo Tarvi, việc này đã giữ vững đà phát triển nền kinh tế lúc bấy giờ.

“Phần Lan bắt đầu sử dụng thẻ ID trước chúng tôi 2 năm, nhưng tất cả những gì đem lại chỉ là sự thất vọng”, ông nói, “Không một ai muốn sử dụng bởi chính phủ đặt ra giá thành quá cao. Ngân hàng lẫn các nhà phát hành ứng dụng đặt câu hỏi tại sao phải phát hành thẻ ID khi không ai sử dụng chúng?".

Thất bại của Phần Lan là bài học quý giá cho Estonia. Martens ngộ ra rằng bất kỳ ai tạo ra được nền tảng với cơ chế bảo mật cao, khiến tất cả có thể sử dụng đều xứng đáng trở thành nhà lãnh đạo của Estonia.

Vượt qua cả X-Road, K.S.I.A là công nghệ blockchain "xương sống" khác của Estonia. Dữ liệu người dùng bị thay đổi nguy hiểm gấp nhiều lần so với việc thông tin cá nhân của họ bị rò rỉ. Ví dụ nếu thông tin nhóm máu bị thay đổi, nhiều khả năng lần tiếp theo sẽ là lần cuối cùng bạn đến bệnh viện.

Công nghệ blockchain của Estonia cho phép bảo vệ thông tin người dân nhưng vẫn đảm bảo tất cả dữ liệu đều nguyên vẹn. Để đối phó với những cuộc tấn công hệ thống cục bộ, chính phủ đã thiết lập server thứ hai ở Luxembourg làm nơi backup cho toàn bộ hệ thống.

Công dân toàn cầu

Một buổi sáng tháng 9/2017, chiếc xe chở Tổng thống Estonia dừng trước Trung tâm sáng tạo Tallinn. Kersti Kaljulaid, nữ Tổng thống đầu tiên, cũng là Tổng thống trẻ tuổi nhất Estonia bước ra dõng dạc tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh EU về kỹ thuật số: “Tôi là tổng thống của quốc gia kỹ thuật số”.

Các nhà lãnh đạo EU được xếp ngồi cùng nhau, Thủ tướng Đức Angela Merkel ở hàng đầu, lộ vẻ mệt mỏi trong chiếc áo khoác da màu đỏ của mình. “Người dân đang phải chịu đựng các thủ tục hành chính rườm rà”, Kaljulaid nói, “chúng ta phải đem đến cho công dân tính ứng dụng và độ tin cậy cao, không phải sự phức tạp”.

Bà Kaljulaid thúc giục các nhà lãnh đạo xem xét dự án “Dân số tạm thời” (khuyến khích mọi người trở thành công dân hợp pháp của nhiều quốc gia). Trong khi Thủ tướng Anh Theresa May lại cho rằng "khi các bạn tự nhận mình là công dân toàn cầu, đó là lúc bạn chẳng là công dân của quốc gia nào cả".

Với Kaljulaid, bà cho rằng công dân nước mình sẽ "toàn cầu hóa" trong thời gian sắp tới. Quan điểm của Kaljulaid nhận được sự đồng thuận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khi ông gật đầu liên tục và ngỏ ý muốn liên kết với Estonia.

Khi Kaljudlaid kết thúc bài phát biểu, bà Merkel bước lên bục và nói: “quốc gia của bà đã tiến một bước rất xa so với tất cả chúng tôi”. Không lâu sau đó, các nước thành viên EU đồng loạt tuyên bố thỏa thuận phát triển chính phủ kỹ thuật số và cơ cấu lại toàn bộ thị trường lao động.

Trước khi rời Tallin, tôi đến gặp Marten Kaevats, cố vấn công nghệ của Estonia. Kaevats nói với tôi ông cảm thấy khó chịu khi nhiều quốc gia ở phương Tây xem Estonia như một thiên đường công nghệ. “Sự hăng hái, lạc quan của chúng tôi dành cho công nghệ là điều hiển nhiên. Tuy nhiên những chiếc ôtô thông minh không quan trọng, quan trọng là cách nhìn nhận của mọi người về chúng”.

Tôi hỏi Kaevats cảm thấy thế nào về nền công nghệ của Mỹ. “Một mớ hỗn độn”, ông nói. Dữ liệu bị thâu tóm độc quyền, người dân không thể quản lý dữ liệu của chính mình, thay vào đó lại bị lợi dụng triệt để. “Tôi có thể nói cho anh mã số an sinh xã hội của tôi. Nếu ở Mỹ, anh có thể dùng nó để điều tra mọi thứ về tôi, nhưng ở đây anh chẳng làm được gì cả".

“Mỹ vẫn còn lạc hậu về bảo vệ riêng tư của công dân, điều này dẫn đến một vấn đề khác lớn hơn: chính phủ đánh mất lòng tin tưởng mà người dân dành cho họ. Rất khó để lấy lại niềm tin khi đã mất. Nếu muốn giải quyết gốc rễ chuyện này, chính phủ phải thực sự đổi mới về chính sách, chính trị gia phải là nhóm người đầu tiên tuân thủ những luật lệ mà họ đã đặt ra, bởi đến một lúc nào đó, mọi thứ sẽ đều được công khai", Kaevats nói.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất