Ethereum, đồng tiền ảo mới có thể đối đầu trực tiếp với Bitcoin
Ngay cả Bitcoin cũng đã gặp khó khăn, và một đối thủ tiền ảo khác – với cái tên Ethereum – đã tăng giá một cách chóng mặt, tới hơn 1000% chỉ trong vòng ba tháng vừa qua.
Không chỉ tăng giá, Ethereum còn đang thu hút những gã khổng lồ tài chính và công nghệ, như JPMorgan Chase, Microsoft và IBM, những người đã nói nó như môt loại Bitcoin 2.0.
Sự trỗi dậy của loại tiền ảo gần như mới này vốn được hưởng lợi từ chính cuộc nội chiến trong cộng đồng Bitcoin, trong việc những phần mềm Bitcoin cơ bản nên phát triển như thế nào.
Cuộc chiến đã làm chậm lại những giao dịch Bitcoin và dẫn tới việc một số người đã tìm một loại tiền ảo khác để vận hành công việc của mình.
Và Ethereum xuất hiện.
Giống như Bitcoin, hệ thống Ethereum được xây dựng trên một blockchain trong đó mọi giao dịch đều được lưu lại công khai. Sự hứa hẹn về hệ thống này chính là việc nó cho phép quy đổi tiền bạc và tài sản nhanh chóng và rẻ hơn nhiều so với việc phụ thuộc vào một chuỗi dài trung gian.
Nhưng Ethereum cũng đã có được sự ưu ái bởi chính tiềm năng có thể làm được hơn rất nhiều so với Bitcoin. Không chỉ là tiền ảo, phần mềm này còn có thể giúp tạo ra những thị trường online và những giao dịch có thể được lập trình được biết với cái tên giao kèo thông minh.
Hệ thống này đủ phức tạp để ngay cả những người hiểu rõ về nó cũng khó mà giải thích về nó một cách dễ hiểu. Có một ứng dụng đang được phát triển có thể khiến nông dân rao bán sản phẩm và thanh toán trực tiếp với người tiêu dùng. Cũng đã có hàng tá những ứng dụng được xây dựng trên Ethereum, đem tới một hướng mới để quản lý và chi trả cho điện nước, cá cược và ngay cả mô hình Ponzi.
Mọi thứ đều đang trong giai đoạn đầu. Bản hoàn thiện công khai đầu tiên của phầm mềm Ethereum vừa mới được tung ra, và hệ thống này có thể sẽ đối mặt với những chính vấn đề về kỹ thuật và pháp lý khiến Bitcoin nhạt nhòa.
Hệ thống Ethereum được xây dựng trên một blockchain trong đó mọi giao dịch đều được lưu lại công khai.
Rất nhiều người theo phe Bitcoin cho rằng Ethereum sẽ gặp phải nhiều vấn đề bảo mật hơn Bitcoin bởi độ phức tạp hơn nhiều của phần mềm. Đến nay, Ethereum gặp phải ít thử nghiệm hơn, và các cuộc tấn công cũng ít hơn nhiều so với Bitcoin. Thiết kế mới lạ của Ethereum cũng có thể khiến những nhà chức trách xem xét gắt gao hơn khi những giao kèo có thể gian lận, như mô hình Ponzi, có thể được ghi trực tiếp vào hệ thông Ethereum.
Nhưng mức độ tinh vi của hệ thống này đã khiến nó trở nên hấp dẫn với một số người đứng đầu các công ty Mỹ. IBM nói rằng họ đã thử nghiệm với Ethereum để có thể kiểm soát Internet of things.
Microsoft cũng đã tiến hành hàng loạt dự án để sử dụng Ethereum dễ dàng hơn trên điện toán đám mây của mình, Azure.
“Etherum là một nền tảng nơi bạn có thể giải quyết vấn đề của rất nhiều ngành với một giải pháp khá tao nhã – giải pháp tao nhã nhất mà chúng tôi từng thấy”, trích lời Marley Gray, giám đốc phát triển chiến lược kinh doanh tại Microsoft.
Gray chịu trách nhiệm cho mảng blockchain của Microsoft, khái niệm cơ sở dự liệu mà Bitcoin đem tới. Blockchain được thiết kế để lưu trữ dữ liệu và giao dịch mà không cần tới bất cứ nơi quản lý và lưu trữ trung tâm nào.
Blockchain sẽ được duy trì và cập nhật bởi mạng lưới những máy tính cùng hoạt động – khá giống với cách mà Wikipedia được cập nhật và duy trì bởi chính người dùng của nó.
Tuy nhiên, nhiều tập đoàn đã tạo ra mạng lưới Ethereum của chính họ với blockchain riêng, độc lập với hệ thống công cộng, và có thể làm giảm giá trị của đơn vị trong hệ thống Ethereum – tên là Ether – mà mọi người vẫn đang mua về.
Quan tâm tới Ethereum chính là dấu hiệu của sự đam mê của các công ty với blockchain. Hầu hết các ngân hàng lớn đã nghĩ tới việc dùng chúng để thực hiện giao dịch và chuyển tiền nhanh và hiệu quả hơn. Vào 29 tháng ba, giám đốc điều hành những ngân hàng lớn nhất đã tổ chức một cuộc họp để nhìn nhận rõ tiềm năng thực sự của blockchain.
Nhiều ngân hàng cũng đã thử nghiệm những phiên bản của Etherum. Như JPMorgan, đã tạo ra một công cụ chuyên biệt, Masala, cho phép một vài cơ sở dữ liệu nội bộ của họ tương tác với một blockchain Ethereum.
Michael Novogratz, cựu giám đốc điều hành tại công ty cổ phần tư nhân Fortress Investing Group, người đã hướng đầu tư của Fortress vào Bitcoin, đã chú ý tới Ethereum khi ông rời Fortress. Novogratz nói rằng mình đã đã đầu tư một lượng rất lớn Ether từ tháng một. Ông cũng đã nghe ngóng được ngành tài chính nói về sự phát triển của đồng tiền ảo này như thế nào.
“Rất nhiều người vẫn đang suy nghĩ, "Nó vẫn là một thử nghiệm"”, ông nói. “Có lẽ trong hai tới ba tháng nữa thì thử nghiệm đó ít nhất sẽ xác định được nhiều điều hơn".
Từ đầu năm, giá trị của một đơn vị Ether đã từ 1 USD nhảy vọt lên 12 USD. Khiến tổng giá trị Ether chạm mức hơn 1 tỉ USD, lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ loại tiền ảo nào trừ Bitcoin, với tổng trị giá hơn 6 tỉ USD tháng trước.
Joseph Lubin (phải), sáng lập ra ConsenSys, chuyên về những ứng dụng chạy trên Ethereum. Andrew Keys (trái), giám đốc phát triển kinh doanh của ConsenSys.
Từ khi Bitcoin được phát minh, đã có rất nhiều loại coin tìm cách vượt mặt Bitcoin, nhưng chưa ai làm làm được như Ethereum.
Không như Bitcoin, được tung ra năm 2009 bởi một người bí ẩn với cái tên Satoshi Nakamoto, Ethereum được tạo ra bởi Vitalik Buterin, một chàng trai người Nga-Canada, sau khi anh bỏ học tại Đại học Waterloo, Ontario.
Mục tiêu cơ bản của Ethereum là khiến ta có thể đưa những thỏa thuận ràng buộc vào blockchain – khái niệm smart contract. Lấy ví dụ, hai người, có thể lập trình một cuộc cá cược thể thao trực tiếp vào blockchain Etherreum. Một khi tỉ số đến từ một nguồn được cả hai đồng thuận, tiền sẽ tự động chuyển tới người thắng cuộc. Ether có thể được dùng làm tiền tệ trong hệ thống này, nhưng Ether cũng cần tới để chi trả cho hệ thống thực hiện cuộc cá độ.
Ethereum đôi khi được mô tả là một máy tính được chia sẻ và vận hành bởi những người dùng trong mạng lưới ở đó tài nguyên được phân chia và chi trả bằng Ether.
Một nhóm bảy người sáng lập đã giúp Buterin viết ra phần mềm sau khi anh tung ra bản mô tả đầu tiên của hệ thống. Nhóm của Buterin đã thu được 18 triệu USD trong năm 2014 qua một đợt presale Ether, và đã gây vốn cho Quỹ Ethereum để hỗ trợ cho việc phát triển phần mềm.
Cũng như Bitcoin, Ethereum đã thành công trong việc thu hút một mạng lưới những người theo dõi giúp phát triển phần mềm, với hy vọng Ether của họ sẽ tăng giá nếu hệ thống này thành công. Tháng trước, đã có 5.800 máy tính – hay node - hỗ trợ hệ thống trên toàn thế giới. Mạng lưới Bitcoin hiện có khoảng 7.400 node.
Văn phòng của ConsenSys.
Một trong những đồng sáng lập với Buterin, Joseph Lubin, đã thiết lập ra ConsenSys, một công ty tại Brooklyn đã thuê hơn 50 developer để làm ra ứng dụng cho hệ thống Ethereum, trong đó sẽ có một ứng dụng dành cho phân phối nhạc và một dành cho một loại kiểm toán tài chính mới.
Lubin nói rằng anh đã dấn thân vào Ethereum sau khi nghĩ về việc nó đem tới những hứa hẹn không thể đem lại của Bitcoin, đặc biệt khi nó có thể đem lại những loại hợp đồng và chợ online mới.
“Bitcoin đã cho thấy cho tầm nhìn sâu rộng, và Ethereum sẽ cho thấy sự kết tinh trong việc làm thế nào để chứng thực tầm nhìn đó”, anh nói.
Joshep Bonneau, một nhà nghiên cứu khoa học máy tính tại Stanford, cho rằng Ethereum chính là hệ thống đầu tiên khiến anh chú ý kể từ khi có Bitcoin.
“Bitcoin vẫn là đặt cược an toàn nhất, nhưng Ethereum chắc chắn đứng thứ hai, và vài người sẽ nói rằng có nhiều khả năng nó sẽ phổ biến trong 10 năm nữa”, Bonneau nói. “Phụ thuộc vào việc liệu có thị trường thực sự nào phát triển từ nó không. Và liệu có những ứng dụng thực sự nào".
- Bitcoin là gì?
- Ảnh thực tế mỏ khai thác tiền ảo bitcoin tại Iceland