Gạch lego có thể tồn tại trong đại dương tới 1.300 năm
Bằng cách đo khối lượng của từng viên gạch đồ chơi LEGO được tìm thấy trên các bãi biển so với các mảnh không sử dụng tương đương, các nhà nghiên cứu ước tính rằng các vật phẩm này có thể tồn tại dưới đại dương trong khoảng từ 100 đến 1.300 năm.
Các nhà khoa học của Đại học Plymouth, Anh đã dẫn đầu một nghiên cứu để kiểm tra mức độ các mặt hàng của đồ chơi trẻ em phổ biến đã bị hao mòn trong môi trường biển.
Họ một lần nữa củng cố thông điệp rằng, mọi người cần suy nghĩ cẩn thận về cách họ vứt bỏ các vật dụng gia đình hàng ngày.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Ô nhiễm môi trường, tập trung vào những viên gạch LEGO được tìm thấy dạt vào bờ biển phía Tây Nam nước Anh.
LEGO là một trong những đồ chơi trẻ em phổ biến nhất trong lịch sử.
Trong thập kỷ qua, các tổ chức tự nguyện từ Cornwall, Anh đã thu hồi hàng nghìn mảnh và chất thải nhựa khác trong quá trình làm sạch bãi biển.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, nhiều mảnh nhựa có thể đã bị mất trong các chuyến thăm bãi biển hoặc xâm nhập vào môi trường thông qua quy trình xử lý chất thải gia đình.
Đối với nghiên cứu cụ thể này, 50 mảnh LEGO phong hóa, được chế tạo từ chất polymer nhiệt dẻo ABS, thu thập từ các bãi biển đã được rửa sạch và đưa vào cân, đo trong các phòng thí nghiệm của trường Đại học.
Các đặc tính hóa học của từng khối sau đó được xác định bằng máy quang phổ huỳnh quang tia X (XRF), và kết quả được sử dụng để xác nhận tuổi của các mảnh riêng lẻ.
Bằng cách ghép các vật phẩm đó với các bộ LEGO chưa sử dụng sản xuất vào những năm 1970 và 80, các nhà nghiên cứu đã có thể xác định mức độ hao mòn và đưa ra nhận định về việc các mảnh nhựa này có thể tiếp tục tồn tại trong môi trường biển bao lâu.
Nghiên cứu do Tiến sĩ Andrew Turner, Phó Giáo sư về Khoa học Môi trường dẫn đầu. Trước đây, ông đã từng tiến hành nghiên cứu sâu rộng về các tính chất hóa học của các vật phẩm bị rửa trôi như rác biển.
Ông nói: “LEGO là một trong những đồ chơi trẻ em phổ biến nhất trong lịch sử và nó hấp dẫn người sử dụng một phần là do độ bền. Nó được thiết kế đặc biệt để chơi mà không hỏng. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi mặc dù rơi xuống biển trong nhiều thập kỷ, nó không bị hao mòn đáng kể. Tuy nhiên, độ bền hơi quá của nó là một bất ngờ đối với chúng tôi”.
Theo TS Andrew Turner, các mảnh mà họ tìm thấy đã bị bào nhẵn và biến màu, một số bị gãy vỡ, nhưng cũng có những mảnh còn nguyên vẹn. Điều đó cho thấy chúng cũng có thể bị phá vỡ thành hạt vi nhựa. Nghiên cứu này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc con người cần xử lý các mặt hàng đã sử dụng đúng cách để bảo đảm chúng không gây ra các vấn đề tiềm ẩn cho môi trường.