Gặp những hiện tượng này thường xuyên nhưng không phải ai cũng biết nguyên nhân

Vì sao da tay nhăn nheo sau khi ngâm nước quá lâu? Vì sao chúng ta thường hắt hơi khi đi ra ngoài trời nắng?... Những hiện tượng trên quá quen thuộc với tất cả mọi người nhưng không phải ai cũng biết nguyên nhân và lý do vì sao chúng xuất hiện.

Hắt hơi khi ra nắng


Nhiều muốn hắt xì hơi khi nhìn mặt trời hoặc bị ánh sáng chói chiếu thẳng vào mắt.

Hắt hơi là một trong những phản xạ tự nhiên của cơ thể con người. Nguyên nhân gây ra hắt hơi có thể là do bạn bị lạnh, hít phải một mùi hương lạ, mẫn cảm với phấn hoa… Ngoài ra, rất nhiều người khẳng định họ cảm thấy muốn hắt xì hơi khi nhìn mặt trời hoặc bị ánh sáng chói chiếu thẳng vào mắt.

Các nhà khoa học gọi hiện tượng kỳ lạ này là hội chứng Autosomal Dominant Compelling Helioopthalmic Outburst (viết tắt là ACHOO). Khi gặp ánh sáng chiếu vào mắt, dây thần kinh thị giác sẽ gửi tín hiệu đến não bộ, yêu cầu thu hẹp đồng tử lại. Song, một vài trường hợp não bộ bị nhầm lẫn, tín hiệu này bị gửi sang mũi và khiến chúng ta bị hắt hơi. Được biết, ước tính chỉ có khoảng 22% - 30% người trên thế giới bị kích thích hắt hơi bởi ánh mặt trời hoặc ánh sáng chói.

Lông dựng đứng


Đây là hiện tượng tự nhiên, xảy ra khi làn da bị lạnh.

Chắc hẳn tất cả ai trong chúng ta đều từng trải qua cảm giác sởn da gà. Đây là hiện tượng tự nhiên, xảy ra khi làn da bị lạnh, các cơ nhỏ dưới lông co lại khiến lông tay, lông chân bị dựng đứng.

Ngoài hiện tượng sởn da gà, lông trên cơ thể bị dựng ngược lên trong trường hợp bạn lo sợ, bị đe dọa hoặc quá vui mừng kích thích hệ thần kinh giao cảm tiết ra hormone adrenaline gây ra sự co cơ trên da, dẫn đến hiện tượng sởn da gà và dựng lông.

Cảm giác điện thoại rung khi để trong túi


Hiện tượng này cũng giống như việc bạn lo sợ một điều gì đó.

Đã bao giờ bạn cảm thấy điện thoại khi để trong túi rung lên nhưng khi kiểm tra lại chẳng có bất kỳ cuộc gọi hay tin nhắc nào chưa? Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy có khoảng 80% trong số chúng ta từng trải qua cảm giác này, được các nhà khoa học gọi là hội chứng tưởng tượng điện thoại rung (Phantom Vibration Syndrome - PVS).

Tuy nhiên, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của hiện tượng này. Chuyên gia đến từ Massachusetts, Mỹ đưa ra giả thiết những tín hiệu giả ấy có thể là kết quả của việc xử lí sai các tín hiệu cảm giác khi vỏ não bị quá tải thông tin gây ra nhầm lẫn. Vì não bộ con người quá mong đợi một cuộc gọi, nó sẽ diễn giải các thông tin cảm giác theo chiều hướng sai lệch ấy. Những kích thích có thể bị hiểu sai là ma sát quần cọ vào chân, co cơ…

Hiện tượng này cũng giống như việc bạn lo sợ một điều gì đó, ví dụ như gặp rắn khi đi cắm trại. Đảm bảo rằng cả ngày hôm đó bạn sẽ không thể ngồi yên và liên tục giật mình mỗi khi vô tình chạm vào vật thể mà não cho là rắn nhưng thực chất nó chỉ là một cành cây khô.

Tuy nhiên, bạn cũng không cần quá lo lắng về hiện tượng ảo giác này. Hãy thử ngừng thói quen cho điện thoại vào túi khoảng vài tuần, cảm giác điện thoại rung cũng sẽ dần dần biến mất.

Tại sao cơ thể bốc mùi?


Mùi hôi cơ thể gây ra bởi các vi khuẩn sinh sôi nhiều.

Mồ hôi được cho là nguyên nhân chính gây ra mùi cơ thể. Thông thường, mùi hôi cơ thể gây ra bởi các vi khuẩn sinh sôi nhiều, tạo thành các axit gây ra mùi khó chịu.

Ở mỗi giai đoạn trong cuộc sống, cơ thể chúng ta tiết ra mùi khác nhau. Chúng phản ánh hoạt động của con người trong một khoảng thời gian, đồng thời cũng là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe đáng lưu ý, ví dụ như hơi thở bốc mùi trái cây báo hiệu bạn đã mắc bệnh tiểu đường.

Trong trường hợp bạn ít khi đi ra ngoài, vệ sinh cá nhân không đúng cách và không uống đủ nước dẫn đến cơ thể bị già cỗi, các tế bào và cơ quan trong cơ thể thoái hóa, từ đó bốc ra mùi đặc trưng mà người ta thường gọi nôm na là “mùi người già”.

Vì sao da tay nhăn nheo sau khi ngâm nước?


Da nhăn nheo là phản ứng được điều khiển bởi các dây thần kinh để kiểm soát việc nhăn da bằng cách co rút các tế bào máu phía dưới da.

Trước đây, nhiều nghiên cứu cho rằng da bị nhăn nhúm sau khi ngâm nước quá lâu là do hiện tượng thẩm thấu, lớp da ngoài cùng hấp thụ và trở nên căng phồng nước. Tuy nhiên, theo bài báo khoa học được đăng tải trên tạp chí Brain, Behavior and Evolution, hiện tượng da đầu ngón tay, ngón chân nhăn nheo gọi là "rain treads" - phản ứng được điều khiển bởi các dây thần kinh để kiểm soát việc nhăn da bằng cách co rút các tế bào máu phía dưới da.

Lợi ích của việc đầu ngón tay, ngón chân bị nhăn là giúp chúng ta cầm nắm tốt hơn trong điều kiện ẩm ướt, tăng độ bám của bàn chân vào mặt sàn, tránh việc trượt ngã sau khi bước khỏi nhà tắm.

Cảm giác “buốt tận óc” khi ăn kem


Cảm giác “buốt tận óc” gây ra bởi hệ thống thần kinh cảm giác trong miệng.

Mỗi khi ăn kem hoặc uống nước lạnh, chúng ta thường có cảm giác đông cứng từ vòm họng cho đến đỉnh đầu. Vào năm 2013, hiện tượng này được các nhà khoa học đặt tên chính thức là chứng đau đầu do kích thích lạnh.

Cảm giác “buốt tận óc” gây ra bởi hệ thống thần kinh cảm giác trong miệng. Khi vòm miệng bị lạnh đột ngột, bộ não sẽ thực hiện việc phân phát dòng máu nóng đến để sưởi ấm những khu vực bị lạnh trên cơ thể. Sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ khiến các mạch máu co thắt và giãn nở liên tục nhằm giúp cơ thể nhanh chóng đáp ứng các kích thích lạnh. Hiện tượng trên được cho là nguyên nhân trực tiếp gây ra cơn đau buốt khi ta ăn thức ăn lạnh.

Bên cạnh việc chờ đợi cơ thể phản ứng, bạn cũng có thể làm giảm cảm giác ê buốt bằng cách dùng tay xoa vào 2 bên quai hàm, giúp cân bằng nhiệt độ khu vực này, đồng thời giảm bớt quá trình co thắt và giãn nở của các mạch máu.

Ngáp lây


Đây là dấu hiệu của sự đồng cảm.

Ngáp là một hành động không cố ý của cơ thể, giúp giải phóng năng lượng khi bộ não mệt mỏi và cung cấp oxy giúp não hoạt động tốt hơn. Chúng ta không thể kiềm chế được cơn buồn ngáp sau khi nhìn thấy người đối diện ngáp. Các nhà khoa học gọi đây là hiện tượng “ngáp lây” và họ tin rằng đây là dấu hiệu của sự đồng cảm.

Điều khó hiểu là một vài người không chỉ bị “lây ngáp” từ người khác mà hiện tượng này còn xảy ra khi chúng ta nhìn thấy một con vật nào đó ngáp hoặc đơn giản chỉ nhìn thấy chữ “ngáp” thôi cũng đủ lên cơn buồn ngáp. Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được câu trả lời cho hiện tượng kỳ lạ này.

Cười khi bị cù lét


Phản ứng này có liên quan đến nỗi sợ của con người.

Mỗi khi bị cù, bên cạnh cảm giác “nhột nhột buồn buồn" khó chịu thì phản ứng đầu tiên của chúng ta là bật cười. Tại sao lại như vậy? Các nhà khoa học tin rằng phản ứng này có liên quan đến nỗi sợ của con người, khi bị người khác động vào cơ thể. Và đây cũng là lý do vì sao chúng ta không cảm thấy gì khi tự cù bản thân.

Ở một vài khu vực trên cơ thể như cổ, nách, lòng bàn chân... con người cảm thấy dễ bị tổn thương khiến họ không thể kiềm chế việc bật cười hay hành động chống đối lại nếu như bị động vào những chỗ nhạy cảm ấy.

Tại sao chúng ta khóc khi buồn?


Khóc là phương pháp hiệu quả nhất để giải phóng những cảm xúc tiêu cực.

Không chỉ khi buồn mà rất nhiều cảm xúc khác như căng thẳng, lo âu, hoặc thậm chí là hạnh phúc đều là nguyên nhân khiến chúng ta rơi nước mắt. Các nhà khoa học tin rằng khóc là phương pháp hiệu quả nhất để giải phóng những cảm xúc tiêu cực. Việc rơi nước mắt cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi tinh thần, giúp con người trở nên phấn chấn và dễ chịu hơn sau khi khóc. Thế nên, chúng ta không có lý do gì để nuốt nước mắt vào trong mà thay vào đó hãy cứ khóc thật to, nỗi đau từ đó cũng dần nguôi ngoai đi.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất