Ghê rợn những vụ động vật khát máu thảm sát con người

Con người đã tàn sát rất nhiều loài động vật. Nhưng cũng có những trường hợp những loại động vật đã khiến cho con người phải khiếp sợ bởi sức mạnh, sự hung bạo mà chúng gây nên.

1. Sự tàn ác hoang dại của bầy sư tử vùng Njombe

Sở hữu bản năng giết người đầy hoang dã, bầy sư tử Njombe đảo ngược tập tính thông thường: Chúng thị sát ban đêm và tấn công con mồi ban ngày.

Vụ bầy sư tử Njombe giết hại và ăn thịt 1.500 người từ các năm 1932 đến 1947 trở thành "cơn ác mộng" reo rắc nỗi kinh hoàng cho con người khủng khiếp hơn tất cả.


Lịch sử từng chứng kiến nhiều vụ sư tử ăn thịt người kinh hoàng. (Ảnh minh họa: Internet).


Bầy sư tử Njombe là cơn ác mộng khủng khiếp nhất trong lịch sử. (Nguồn: Worldatlas.com).

Sự tàn ác của bầy sư tử khiến người ta gọi nó với cái tên "Man-eaters of Njombe" (Bầy sư tử ăn thịt người vùng Njombe).

Theo các tài liệu ghi chép lại, vào đầu những năm 1930, chính quyền thực dân Anh vì muốn kiểm soát mức độ lây lan của virus dịch tả trâu bò (loại virus truyền nhiễm cho gia súc, trâu và một số loài động vật móng guốc) đã tìm cách diệt trừ các loài động vật hoang dã trong vùng như ngựa vằn, linh dương...

Để diệt trừ tận gốc những mầm gây bệnh và lây nhiễm virus này, chính quyền thực dân Anh đã tập hợp một "đội quân sát thủ hoang dã" - Chính là bầy sư tử 15 con háu đói.

Chúng có nhiệm vụ tự nhiên là đi săn và hạ sát các con mồi hoang dã yếu đuối, vốn là những món ăn khoái khẩu của chúa tể sơn lâm.

Vì được tuyển chọn cho "Đội quân sát thủ hoang dã", 15 con sư tử đều là những kẻ giết con mồi đầy bản năng, sở hữu khả năng vây bắt con mồi thông minh cùng tốc độ và sức mạnh vượt trội.

Chiến thuật săn mồi của chúng khác với các loài sư tử đồng loại khác đó là: Chúng thị sát ban đêm rồi tấn công và hạ sát con mồi ban ngày.

Nhờ sức mạnh tổng hợp đó, 15 con sư tử nhanh chóng "càn quét" lượng lớn các loài động vật hoang dã trong vùng. Tuy nhiên, điều đáng sợ thực sự đến khi nguồn thức ăn dần khan hiếm, chúng quay sang tấn công và ăn thịt con người.

Trong vòng 15 năm đó, 15 con sư tử háu đói và đầy hoang dại lùng sục mọi nơi và tấn công con người mọi lúc. Chúng đã di chuyển quãng đường dài hơn 30km để đi tìm nguồn thịt mới - đến địa điểm gần thị trấn Njombe có con người sinh sống đông đúc.

Hơn 1.500 người đã bị chúng giết hại và ăn thịt (có tài liệu ghi nhận con số lên tới 2.000 người). Khắp vùng Njombe nhuốm trong sự sợ hãi tột cùng. Cả ban ngày và ban đêm, đâu đâu cũng bị ám ảnh bởi ánh mắt sắc lạnh và cặp hàm cắn nát tất cả của bầy sư tử.

Rất nhiều nỗ lực của con người đã bỏ ra mong săn và tóm gọn 15 con sư tử hoang dại vùng Njombe. Tuy nhiên, cùng với thời gian và mục tiêu con mồi, chúng dần trở nên thông minh, khôn ngoan hơn rất nhiều.

Nhiều chiếc bẫy lớn đặt ra để bẫy đều thất bại. Chúng đủ khôn ngoan để không bị mắc lừa con người.

Như vậy, từ mục đích giúp con người, bản năng hoang dại đã biến bầy sư tử trở thành những kẻ giết người hàng loạt khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người.

Kết thúc chuỗi ngày 15 năm ám ảnh kinh hoàng.

Cuối cùng, sau 15 năm chìm trong cơn ác mộng kinh hoàng do bầy sư tử Njombe giết nhiều người nhất trong lịch sử gây ra, một thợ săn voi người Anh George Gilman Rushby (1900 - 1968) đã hạ thành công 15 con sư tử, kết thúc chuỗi ngày đen tối nhất của người dân vùng Njombe, miền nam Tanzania.

Chiến công vang dội của ông được đài BBC (Anh) dựng lại trong bộ phim tài liệu có tên "The Man-eating Lions of Njombe".

2. Ám ảnh "ngôi làng ma" sau thảm sát của "hung thần trên mặt đất"

Là một trong "Ba huyền thoại quái thú ăn thịt người" gây kinh hãi nhất trong lịch sử, "gấu quỷ" một thời là "cơn ác mộng kinh hoàng" của người dân Nhật những năm đầu thế kỷ 20.

Chuỗi những ngày kinh hoàng bắt đầu vào những ngày đông giá rét tháng 12 năm 1915 tại ngôi làng mới khai hoang Sankebetsu trên đảo Hokkaido, Nhật Bản.

Ngôi làng này vốn là nơi cư trú của loài gấu nâu khổng lồ (được mệnh danh là "hung thần trên mặt đất" ở Nhật), trong đó, con to nhất có tên là Kesagake.

Đêm ngày 9/12/1915, những con gấu háu đói trở dậy sau kỳ ngủ đông dài đã mò vào ngôi làng hẻo người để ăn trộm ngô và vật nuôi.

Những tưởng những đe dọa vũ lực và phát súng bắn cảnh báo sẽ khiến loài động vật to lớn này khiếp sợ.


"Gấu quỷ" xông vào nhà tấn công người dân. (Hình nộm minh họa).

Nhưng, chỉ trong 2 ngày tiếp theo, dân làng Sankebetsu bắt đầu hoảng loạn khi thấy 6 người trong các gia đình mất tích bí hiểm. Họ ráo riết đi tìm nhưng không tìm thấy bất cứ manh mối nào.

Lúc này, cả làng không hay biết chuyện gì thực sự đang diễn ra. Họ sợ hãi, hoang mang và đầy cảnh giác. Không ai có thể ngờ, con gấu khổng lồ có tên Kesagake từng bị bắn thương đã quay lại để trả thù.

Con "gấu quỷ" Kesagake tiếp tục quay lại làng Sankebetsu. Lần này, nó không e dè nữa mà xông thẳng vào nhà một ngôi nhà chỉ có một người phụ nữ và 1 đứa trẻ để tấn công và cấu xé.

Với cơ thể khổng lồ nặng tới 380kg và cao 3 mét, "gấu quỷ" nhanh chóng tạo nên nỗi khiếp sợ cho con người dân. Vì bảo vệ đứa trẻ nhỏ, người phụ nữ đã ôm chặt lấy con mình, mặc cho "gấu quỷ" lôi kéo vào rừng.


"Quái thú" khổng lồ tấn công dân làng vô tội. (Hình minh họa).

Phát hiện ra sự việc, làng Sankebetsu tập hợp những người đàn ông lực lượng, dũng cảm vào rừng săn bắt gấu và trả thù cho những người đã bị chết oan.

Lần theo vết máu, họ tận mắt chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng: Toàn thân đứa trẻ vấy đầy máu, còn người phụ nữ thì bị vùi dưới tuyết, cơ thể chỉ còn một nửa.

50 người khỏe mạnh nhất làng đã tập hợp lại chuẩn bị cuộc trả thù "gấu quỷ". Họ trang bị súng, các loại bẫy để vây bắt "quái thú" nặng hàng trăm kg.

Đến ngày 14/12, sau nhiều chục giờ đồng hồ ẩn phục, con gấu khổng lồ đã bị vây bắt và khống chế. Hàng loạt các phát súng chí mạng vào đầu và tim con "quái thú" cuối cùng cũng hạ gục được nó.

Để có được chiến thắng trong cuộc chiến với loài động vật khổng lồ này, một số người trong đoàn săn thú đã bị chết và bị thương nặng khi vật lộn với "quái thú".

Sự kinh hoàng và đau xót xảy đến với những người còn sống khi họ phát hiện trong dạ dày con "quái thú" những mảng thịt người chưa kịp tiêu hóa.

Chỉ trong vỏn vẹn 6 ngày, "gấu quỷ" đã giết hại dã man 7 dân làng, trong đó có một phụ nữ đang mang thai. Ngày 9/12 trở thành ngày kinh hoàng bậc nhất trong lịch sử Nhật Bản.

Thế nhưng... mọi chuyện chưa kết thúc ở đó. Nếu như dân làng Sankebetsu đã loại bỏ được nỗi sợ hãi "có hình" (là con gấu quỷ) thì họ lại phải đối mặt với nỗi sợ hãi "vô hình" những ngày sau đó: Dân làng bỗng nhiên chết bất đắc kỳ tử mà không có một nguyên nhân nào thuyết phục được đưa ra.

Người ta đồn rằng, "hồn ma" của "gấu quỷ" đã trở lại tiếp tục trả thù. Quá sợ hãi, dân làng dần bỏ đi hết cho đến khi Sankebetsu trở thành ngôi làng "ma", không một bóng người...

3. Cá sấu Tom hai ngón

Chuyện về cá sấu Tom hai ngón đã xảy ra từ rất lâu mà cho đến ngày nay thật khó có thể biết được phần nào của câu chuyện là có thực và phần nào đã được hư cấu. Truyền thuyết kể rằng có một con cá sấu đực ở Nam Mỹ thường đi lang thang trong các đầm lầy tại biên giới bang Alabama và Florida, nước Mỹ.


Tom hai ngón có những chiếc răng khổng lồ và sắc nhọn.

Có một đặc điểm đặc biệt là con cá sấu này đã bị mất hai ngón của "bàn tay" bên trái sau khi trúng bẫy sắt. Bởi vậy khi nó di chuyển rất dễ nhận ra dấu hai "ngón tay" của nó để lại trên bùn, và cũng từ đó nó được người dân địa phương đặt biệt danh là "Tom hai ngón".

Tom hai ngón dài 4,5m và nhiều người địa phương còn tuyên bố rằng nó không phải là một con cá sấu thường mà là một con quỷ được gửi từ địa ngục lên để khủng bố họ. Tom bị dân địa phương căm thù vì nó nuốt rất nhiều bò, lừa của họ và thậm chí là cả phụ nữ trong làng khi họ ra sông giặt giũ quần áo.

Do những cuộc tấn công thường xuyên của Tom, dân địa phương đã rất nhiều lần lên kế hoạch cố gắng giết Tom nhưng tất cả nỗ lực của họ đều thất bại. Súng đạn đều không thể hạ gục được nó. Thậm chí một người dân theo đuổi cuộc truy lùng cá sấu Tom trong suốt 20 năm còn dùng thuốc nổ để giết nó mà vẫn phải chịu thất bại. Ông đã ném 15 xô thuốc nổ xuống đầm lầy nơi Tom sống. Vụ nổ đã giết tất cả nhưng trừ cá sấu Tom. Một khoảnh khắc sau vụ nổ, một tiếng hét lớn vang lên từ phía đầm lầy. Mọi người đổ xô tới và chỉ thấy đôi mắt sáng quắc của Tom trước khi nó biến mất trong đám bùn lầy. Tiếng hét cuối cùng đó là của đứa con gái nhỏ của một người nông dân đứng gần bờ.

Câu chuyện trên đến giờ vẫn chưa được xác định là thật hay chỉ là hư cấu. Người ta tin rằng cá sấu Tom hai ngón vẫn còn sống cho tới ngày nay và nó vẫn tiếp tục đi lang thang trong đầm lầy tại Florida. Nhưng có một điều thú vị trong câu chuyện này rằng, Tom hai ngón nổi tiếng từ những năm 1920, nhưng cho tới những năm 1980, tin tức phát hiện ra dấu vết của một con cá sấu khổng lồ có hai ngón tại khu vực đầm lầy trên vẫn được ghi nhận.

Nhiều cuộc săn lùng quy mô lớn đã được tổ chức với hy vọng có thể bắt giữ được huyền thoại sống này nhưng tất cả đều không có kết quả. Tom hai ngón vẫn lang thang trong các đầm lầy và gây nỗi kinh hoàng cho người dân địa phương.

4. Ác mộng trong vòng vây cá mập của 900 lính thủy Mỹ

Chiếc tàu chiến bị chìm vì ngư lôi của phát xít Nhật không phải là điều tồi tệ nhất với những người lính Mỹ, bởi cơn ác mộng thực sự đang chờ đợi họ giữa biển.


Tuần dương hạm USS Indianapolis của Mỹ năm 1939. (Ảnh: Wikimedia).

Tháng 7/1945, tuần dương hạm USS Indianapolis của hải quân Mỹ lên đường thực hiện một nhiệm vụ thuộc hàng tuyệt mật, đó là vận chuyển các thành phần quan trọng và lượng urani làm giàu đến đảo Tinian trên Thái Bình Dương để chế tạo quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ này, con tàu neo đậu ngoài khơi đảo Guam và sau đó được điều đến vịnh Leyte, Philippines để hội quân với thiết giáp hạm USS Idaho chuẩn bị cho kế hoạch tấn công Nhật Bản. Khi USS Indianapolis đơn độc không có tàu khu trục hộ tống đang trên đường đến Philippine thì thảm họa xảy ra, theo Smithsonianmag.

Đó là ngày 29/7/1945, chiếc tàu chiến chạy với tốc độ 31,4 km/h trên Thái Bình Dương một cách yên bình, các thủy thủ Mỹ thư giãn với các trò như đánh bài, đọc sách. Họ không hề biết được rằng một chiếc tàu ngầm của phát xít Nhật đang rình rập trong lòng biển ở phía trước.

Nửa đêm hôm đó, hạ sĩ thủy quân lục chiến Eggar Harrell rải chiếu rơm ngay trên boong tàu để ngả lưng sau khi kết thúc ca trực. Harrell chỉ mới chợp mắt được một lúc thì bất ngờ nghe thấy một tiếng nổ lớn, và chiếc tuần dương hạm bắt đầu nổ tung.

Tuần dương hạm hạng nặng USS Indianapolis dài 185,9 m với 1.196 thủy thủ và lính thủy quân lục chiến trên khoang đã trở thành mục tiêu để chiếc tàu ngầm Nhật phóng ra tới 6 quả ngư lôi. Trong đêm tối, một quả ngư lôi của Nhật đánh trúng mạn phải tàu, khiến phần mũi tàu dài gần 20 mét gần như bị thổi bay lên khỏi mặt nước, một bồn xăng lớn bốc cháy, tạo ra cột lửa cao hàng chục mét.

Quả ngư lôi thứ hai phóng ra từ chiếc tàu ngầm bắn trúng vào phần giữa tàu, nơi chứa các thùng nhiên liệu và đạn dược, kích hoạt chuỗi phản ứng nổ dây chuyền khiến con tàu bị vỡ làm đôi. Nước biển bắt đầu ồ ạt tràn vào, khiến con tàu bị chìm chỉ sau 12 phút. Trong tổng số 1.196 người có mặt trên tàu khi ấy, chỉ có 900 người kịp nhảy xuống biển thoát thân. Thế nhưng, đây mới chỉ là khởi đầu cho cơn ác mộng mang tên cá mập tồi tệ nhất trong lịch sử hải quân Mỹ và cả loài người.

Trong số những người nhảy xuống biển, nhiều người bị bỏng nặng, gãy xương, chấn thương sau vụ nổ. Hạ sĩ Harrell nhận thấy mình nằm trong một nhóm khoảng 80 người, trong đó có một lính thủy quân lục chiến bị thương nghiêm trọng. Harrell ôm lấy người này, giữ cho đầu anh ta ở trên mặt nước và bất lực nhìn người đồng đội dần kiệt sức và chết trong vòng tay mình.

Đến sáng 30/7, những người lính lênh đênh trên biển liên tục bị phơi thân dưới ánh mặt trời, trong tình trạng kiệt sức vì đói và mất nước giữa đại dương mênh mông. Và đúng lúc đó, những con cá mập xuất hiện.


Cá mập tấn công người.

Những người lính đang cố gắng bơi gần nhau thì những chiếc vây cá mập xuất hiện xung quanh họ, Harrell nhớ lại. Kết cục không thể khác được, một người lính ở vòng ngoài đột nhiên bị lôi tuột ra khỏi nhóm và chìm xuống mặt nước.

“Và sau đó tôi nghe thấy một tiếng thét rợn tóc gáy”, ông nói. “Cơ thể anh ấy chìm nghỉm trong làn nước xanh, chỉ còn chiếc áo phao nổi lên”.

Bị thu hút bởi âm thanh của vụ nổ và vết máu tanh loang trên mặt biển, những con cá mập kéo đến ngày càng nhiều. Trong số nhiều loài cá mập sống trên đại dương, cá mập vi trắng được cho là loài hung dữ nhất. Báo cáo của những người còn sống cho thấy lũ cá mập có xu hướng tấn công những nạn nhân còn sống đang gắng sức bơi trên biển, khiến các sử gia tin rằng thủ phạm gây ra thảm kịch này chính là cá mập vi trắng đại dương.

Trong buổi tối đầu tiên, những con cá mập nhằm vào những thi thể bồng bềnh trên biển. Nỗ lực sinh tồn của những người sống sót chỉ càng thu hút nhiều cá mập bơi đến bởi chúng có thể cảm nhận chuyển động của những người đang bơi trên biển.

Sau đó, lũ cá mập chuyển sự chú ý sang những người sống sót, đặc biệt là những người bị thương và đang chảy máu. Các thủy thủ đã cố gắng tránh xa những người bị thương và khi một ai đó chết, họ tìm cách đẩy thi thể đó ra xa với hy vọng những con cá mập sẽ tấn công xác chết.

Đến ngày thứ hai, những người sống sót phải chịu đựng cơn khát và tình trạng cơ thể mất nước không thể tưởng tượng nổi, Harrell kể lại. Lưỡi họ phồng rộp, môi nứt toác và muối đóng thành bánh trên mắt và khuôn mặt họ dưới ánh mặt trời. Trong cơn tuyệt vọng, một số người đã uống nước biển và sớm phải hối tiếc vì quyết định này. Theo Harrel, chỉ khoảng một giờ sau, những người uống nước biển đều rơi vào ảo giác kinh hoàng và chết.

Những người này trở thành mối hiểm họa cho đồng đội khi đàn cá mập vẫn lởn vởn bơi xung quanh, và rất nhiều người kéo theo cả đồng đội xuống nước khi họ chết.

Tới ngày thứ ba, chỉ có 17 trong số 80 người ban đầu ở cùng Harrell còn sống. Ngày hôm đó nhóm của ông tìm thấy một số vỏ thùng đạn và thùng đựng khoai tây, họ ghép chúng thành một chiếc bè tạm bợ để có chỗ bấu víu.

Nhiều người sống sót đã tê liệt vì sợ hãi đến mức không thể ăn uống số thực phẩm ít ỏi mà họ tìm được gần nơi con tàu bị đắm. Một nhóm tìm cách mở một lon thịt hộp, nhưng họ đã phạm sai lầm, bởi mùi hương của hộp thịt đã thu hút những con cá mập lao đến. Họ đành phải vứt ngay số thịt hộp quý báu này để tránh làm mồi cho cá mập.

Những con cá mập cứ thế tấn công những nạn nhân xấu số trong vài ngày, trong khi những người sống sót cố gắng tập trung ở giữa bởi những người ở ngoài cùng dễ bị cá mập tấn công.

Trong lúc họ tuyệt vọng chờ được giải cứu, tình báo hải quân Mỹ thu được một bức điện mật gửi từ tàu ngầm Nhật Bản về Tokyo thuật lại việc sử dụng ngư lôi đánh chìm một tàu chiến Mỹ trên hướng di chuyển của tàu USS Indianapolis. Tuy nhiên, Mỹ lại coi đây là một cái bẫy mà Nhật giăng ra để phục kích tàu cứu hộ, nên không điều lực lượng đến ứng cứu.


Những người sống sót được đưa lên bãi biển. (Ảnh: USNI).

Mãi đến trưa ngày thứ tư, một phi cơ hải quân Mỹ bay qua khu vực này mới phát hiện những đám người đang trôi dạt trên biển, xung quanh vẫn còn những con cá mập lượn lờ, thậm chí lúc đó phi công còn không biết đây là lính Mỹ. Khi chiếc máy bay này liên lạc về đất liền, tàu chiến và máy bay hải quân Mỹ mới nhanh chóng kéo đến giải cứu.

Trong số 1.196 thủy thủ đoàn ban đầu trên tàu, chỉ có 317 người sống sót và không thể ước tính nổi chính xác có bao nhiêu lính Mỹ đã trở thành mồi của cá mập. Tuy vậy, đây vẫn được coi là thảm họa hàng hải tồi tệ nhất trong lịch sử hải quân Mỹ, cũng như vụ tấn công kinh hoàng nhất của cá mập trong lịch sử loài người.

5. Vụ thảm sát trung đoàn biệt kích Nhật Bản của đàn cá sấu đầm lầy

Vụ việc xảy ra trong Chiến tranh thế giới thứ 2, khi một trung đoàn biệt kích tinh nhuệ của quân phiệt Nhật Bản được giao nhiệm vụ chiến đấu chống lại quân Anh trên đảo Ramree thuộc Myanmar.

Đó là ngày 19/2/1945, sau một trận đánh ác liệt với quân Đồng minh Anh, quân Anh yếu thế trước quân địch.

Tình hình trước mắt rất nguy cấp cho quân Anh, nhưng chỉ huy quân Anh trên đảo Ramrre lại là một người thông minh.

Ông cho một đội trinh sát đi sâu tìm hiểu về hòn đảo này và họ đã phát hiện ra rằng sâu trong rừng ở đảo Ramrre có một khu vực đầm lầy rất nguy hiểm cho bất kỳ kẻ nào rơi vào đó.

Đó là một đầm lầy rộng lớn, với bùn đen đặc quánh và hàng ngàn con cá sấu khổng lồ. Chính vì vậy, ông đã cho một nhóm trinh sát làm nghi binh dẫn dụ lính Nhật tới vùng đầm lầy.

Quân Nhật mắc bẫy ngay, bởi họ tưởng mình được trang bị tốt hơn quân Anh và mạnh hơn đối phương của mình.

Khi quân Nhật tiến sâu hơn vào trong rừng thì chỉ huy Andrew của quân Anh ra lệnh cho quân của mình rút lui ra phía bờ biển an toàn và để lại một số ít để yểm trợ cho đội pháo binh nếu có diễn biến xấu.

Những người lính Anh ở phía ngoài của đầm lầy, trên một ngọn đồi nhỏ, quan sát qua ống nhòm những diễn biến nhỏ nhất của quân Nhật.

Họ thấy đội quân người Nhật tiến vào khu đầm lầy, từng người dần dần bị kéo tụt xuống lớp bùn đen đặc.

Những người lính Nhật khác chạy lại để cứu đồng đội của mình cũng bị lôi tụt xuống lớp bùn đen hoặc bị kéo lê đi chỗ khác. Cảnh tượng kinh hoàng cứ thế diễn ra, từng người lính Nhật bị kéo đi, lôi xuống bùn gần như cả trung đoàn đó.

Từ trên đồi, tướng Andrew của quân Anh chứng kiến cảnh tượng đó thì lẳng lặng cho quân lính rút lui.

Thì ra, nguyên nhân gây ra cái chết của hầu hết trung đoàn lính Nhật thiện chiến kia là những con cá sấu nước mặn vùng đầm lầy. Chúng đã giết chết và ăn thịt gần 1.195 người lính Nhật.


Cá sấu đầm lầy.

Hơn 20 người quân nhân Nhật còn sống sót, bỏ chạy để thoát khỏi khu rừng thì bị quân Anh bắt làm tù binh. Những người sống sót cũng chịu tình trạng tồi tệ không kém bởi họ bị tấn công bởi những con bọ cạp và muỗi nhiệt đới.


Người lính Nhật còn sống sót...

Đó là số phận của trung đoàn biệt kích thiện chiến nhất của Nhật Bản trong Thế chiến thứ 2, hơn 1.215 người được tuyển chọn kĩ lưỡng, tham gia nhiều trận chiến ác liệt, được mệnh danh “cơn lốc” đã kết thúc với hơn 1.195 người bị cá sấu tấn công và ăn thịt.

Chỉ còn hơn 20 người còn sống sót.

Sách kỉ lục lục Guinness đã ghi nhận đây là một thảm kịch có "số lượng lớn nhất các ca tử vong của con người do động vật gây ra".

Một người lính Anh, giờ đây là một nhà nghiên cứu tự nhiên, Bruce Wright khẳng định rằng cá sấu chính là thủ phạm ăn thịt hầu hết các binh sĩ phát xít Nhật.

Ông đã viết: "Đó là một đêm khủng khiếp nhất đối với bất kỳ người lính nào từng trải qua. Các binh sĩ Nhật mình đẫm máu, la hét, nằm khắp nơi dưới lớp bùn lầy đen ngòm.

Họ bị những cái hàm của loài bò sát khổng lồ nghiền nát, và những âm thanh kỳ lạ náo động của lũ cá sấu quần thảo là tạp âm của địa ngục.

Cảnh tượng như vậy, tôi nghĩ, rất ít người trên trái đất này có thể chứng kiến được. Vào lúc bình minh, đàn kền kền kéo đến dọn sạch những gì mà lũ cá sấu bỏ lại…

Gần một nghìn người lính Nhật tiến vào đầm lầy Ramree, người ta chỉ tìm được hơn 20 người còn sống".

Như chúng ta đã biết, cá sấu là một trong số những động vật nguy hiểm bậc nhất hành tinh. Chúng là những con vật với những cú cắn mạnh nhất trên thế giới. Cùng với bộ hàm của mình, chúng là những kẻ săn mồi đáng sợ nhất thế giới.

Tại một số nơi, những vụ tấn công của cá sấu còn lớn hơn những vụ tấn công của cá mập trắng – loài mà người ta vẫn gọi là loài nguy hiểm nhất hành tinh.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất