Ghi hình được loài cá xương lớn nhất dưới độ sâu hơn 2.000m
Các nhà khoa học Nhật Bản công bố phát hiện một con cá đầu trơn khổng lồ dài hơn 2,5 m dưới đáy biển sâu ngoài khơi tỉnh Shizuoka.
Video: Reuters
Được đặt tên là cá đầu trơn Yokozuna (Narcetes shonamaruae), sinh vật này là loài cá xương lớn nhất thế giới sống ở vùng nước sâu hơn 2.000 m. Chúng mới được mô tả khoa học vào năm 2021 và cho đến nay, chỉ có 6 cá thể được đánh bắt ở vịnh Suruga thuộc tỉnh Shizuoka, miền trung Nhật Bản.
Nhóm nghiên cứu từ Cơ quan Khoa học và Công nghệ Biển-Trái Đất Nhật Bản (JAMSTEC) đã hạ một bẫy camera có gắn lồng mồi chứa các mảnh cá thu xuống một vùng nước sâu 2.090 m, cách vịnh Suruga khoảng 400 km về phía nam, và bắt gặp một con cá đầu trơn Yokozuna rất lớn.
Bẫy camera bắt gặp cá đầu xương khổng lồ dưới đáy biển Nhật Bản.
Đoạn video được công bố vào hôm 1/7 cho thấy sinh vật với đôi mắt màu xanh chàm đặc trưng đang há rộng miệng để xua đuổi những con cá khác. Dựa trên kích thước của lồng mồi, các nhà khoa học ước tính nó dài tới 2,53 m, lớn hơn đáng kể so với kỷ lục 2,1 m được ghi nhận trước đó.
Năm ngoái, cá đầu trơn Yokozuna đã được báo cáo là loài săn mồi đầu bảng dưới vùng nước sâu của vịnh Suruga và chuyên ăn thịt các loài cá khác. Tên gọi "Yokozuna" của chúng có nghĩa là "nhà vô địch sumo".
JAMSTEC đã giải mã gene của cá đầu trơn Yokozuna bằng cách trích xuất ADN từ vảy cá và các hạt phân có trong 2,6 tấn mẫu nước biển được thu thập tại ba địa điểm khác nhau cách vịnh Suruga khoảng 400 đến 600 km về phía nam. Nhóm nghiên cứu cho biết họ sẽ tiếp tục khảo sát đa dạng sinh học và sinh thái của vùng biển này.
- Hình ảnh hiếm thấy: Mực mẹ ôm ổ trứng ở độ sâu gần 1.400m
- Câu chuyện về con cua và chiếc máy đo địa chấn dưới đáy đại dương
- Cá voi lưng gù biết "học" các bài hát phức tạp từ các vùng khác nhau