Giải mã ADN cổ xưa nhất của người 400.000 năm trước
Các chuyên gia nhân chủng học Đức đã giải mã được ADN lâu đời nhất của người lấy từ một chiếc xương đùi cổ đại cách đây 400.000 năm.
Chiếc xương đùi trên được phát hiện tại một khu nghĩa địa có tên là Sima de los Huesos (Hố Xương), ở phía Bắc cao nguyên Sierra de Atapuerca ở Tây Ban Nha.
Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Tự nhiên của Anh số ra ngày 4/12, nhóm chuyên gia thuộc Viện nhân chủng học tiến hóa Max Planck ở thành phố Leipzicg (Đức) đã lấy 2 gam bột xương từ xương đùi trên và giải mã bộ gene của ti thể ADN (mtDNA), ADN ti thể được truyền từ mẹ sang con.
Bàn chân của người Homo heidelbergensis ở Bảo tàng Tiến hóa loài người tại Burgos. (Nguồn: AFP)
Sau đó, các nhà khoa học so sánh mã di truyền này với con người hiện đại, vượn, người Neanderthal và người Denisovan. Kết quả cho thấy điều bất ngờ là chủng người Tây Ban Nha có quan hệ gần gũi với người Denisovan hơn là người Neanderthal cho dù xa cách về địa lý.
Kết quả này đặt ra hai giả thiết là người Tây Ban Nha có chung tổ tiên với người Neanderthal và người Denisovan, hoặc những đặc điểm đặc trưng của chủng người Tây Ban Nha có thể có nguồn gốc từ một chủng người hoàn toàn khác có ADN giống với người Denisovan.
Theo ông Juan-Luis Arsuaga - Giám đốc trung tâm nghiên cứu về sự tiến hóa và hành vi của con người ở Madrid (Tây Ban Nha), kết quả nghiên cứu trên đã khẳng định mô hình phức tạp của sự tiến hóa của tổ tiên người Neanderthal và con người ngày nay.
Phát hiện này mở rộng kiến thức về di truyền học của nhân loại 300.000 năm về trước, đồng thời cũng cho thấy sự tiến hóa của con người có thể phức tạp hơn những điều vốn được biết đến trước đây.
Gần đây, các nhà khoa học đã giải mã được bộ gene của 2 họ hàng gần nhất đã tuyệt chủng của con người hiện đại là người Neanderthal và người Denisovan. Đối với người hiện đại, bộ gene cổ nhất được tìm thấy thuộc về xác ướp người băng Otzi, một xác ướp 5.300 năm tuổi được phát hiện trên dãy núi Alps từ năm 1991.