Giải mã DNA của ký sinh trùng gây bệnh sốt rét

Ngày 5/8, các nhà khoa học của Ấn Độ và Mỹ cho biết đã giải mã các gene của những ký sinh trùng gây ra phần lớn các ca sốt rét ở bên ngoài châu Phi, đồng thời phát hiện ra rằng những ký sinh trùng này cực kỳ đa dạng khiến việc tiêu diệt chúng có thể sẽ trở nên khó khăn hơn.

>>> Phương pháp mới sản xuất thuốc chống sốt rét


Các tế bào máu màu đỏ bị nhiễm ký sinh trùng gây bệnh sốt rét.

Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Genetics, nhóm khoa học trên nói rằng họ đã giải trình tự các bộ gene của bốn chủng Plasmodium vivax, một loại ký sinh trùng lây nhiễm 100 triệu người/năm.

Trước đó có nghiên cứu chỉ ra rằng 10-20% số ca sốt rét do ký sinh trùng P. vivax xảy ra ở phía Nam Sahara của châu Phi, vốn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi P. falciparum, loại ký sinh trùng gây ra phần lớn các ca tử vong do sốt rét trên thế giới.

Bên ngoài châu Phi, ký sinh trùng P. vivax chiếm một nửa trên tổng số ca sốt rét, chủ yếu ở Trung Đông, Tây Thái Bình Dương và Trung - Nam Mỹ. Cả hai loại ký sinh trùng này đều được truyền sang người bởi muỗi Anopheles.

Mặc dù P. vivax sống dai hơn P. falciparum và có thể chịu được các kiểu khí hậu lạnh hơn, nhưng người ta ít biết về P. vivax và ít chú ý đến việc giải mã gene của loại ký sinh trùng này hơn so với P. falciparum.

Với nghiên cứu của mình, nhóm trên cho biết đã tăng gấp ba lần số trình tự gene được giải mã của P. vivax, đồng thời quan sát thấy một "sự đa dạng cực lớn về gene", chứng tỏ việc phát triển một loại vaccine đơn lẻ để chống lại các chủng khác nhau của ký sinh trùng P. vivax thậm chí còn khó so với P. falciparum.

Năm 2010, trên thế giới có khoảng 216 triệu người mặc bệnh sốt rét và ước tính 655.000 người tử vong, chủ yếu ở châu Phi, nơi mà theo Tổ chức Y tế Thế giới cứ mỗi phút lại có một trẻ em tử vong vì căn bệnh này.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất