Giải mã độc tính kinh khủng của "cây tự sát": Loài cây mọc hoang đầy ở bờ biển
Là nguyên nhân gây ra cái chết của 3.000 người mỗi năm trong nhiều thế kỷ trước, cây Cerbera odollam được giới khoa học gọi với cái tên "Cây tự sát".
"Cây tự sát" mọc ở đâu?
Theo tài liệu của Sciencedirect, Cerbera odollam là một loài cây thuộc họ Trúc đào độc, bao gồm cây trúc đào vàng và thông thường.
Cerbera odollam còn có các tên gọi khác như Pong-pong, Sea Pong Pong, Yellow-eyed Cerbera. Loài cây này phân bố chủ yếu từ Ấn Độ (mọc hoang dọc bờ biển) đến Thái Bình Dương. Môi trường sinh sống chủ yếu ở trên cạn (rừng ven biển), bờ biển (rừng ngập mặn, bãi sau, bãi cát).
Loài cây Cerbera odollam có kích thước trung bình, cao tới 12m, thân tròn, rậm rạp. Hoa màu trắng nổi bật với năm cánh, đặc trưng của họ Trúc đào. Hoa có "mắt" màu vàng ở trung tâm và có mùi thơm.
Quả và hoa của cây Cerbera odollam.
Quả của nó tròn tròn, giống quả táo, chứa một hạt độc lớn, được bao bọc bởi lớp vỏ xơ dày và lớp cùi bên ngoài. Quả của loài cây này chuyển từ màu xanh lá cây sang màu đỏ tía đến màu nâu đen, trước khi rụng khỏi cây. Vỏ phao giúp trái cây nổi trên mặt nước. Phần cùi mỏng được một số loài chim ăn.
Vì có tán lá rậm rạp, hình tròn hoặc elip mà trước đây Cerbera odollam được sử dụng rộng rãi ở Singapore làm cây bóng mát, nhưng đã bị loại bỏ dần do rễ phát triển mạnh và quả rụng nhiều. Ngày nay, nó có thể được tìm thấy trong các công viên và sân vườn như một cây cảnh.
Độc tính đáng sợ của "cây tự sát"
Hạt giống của Cerbera odollam được cho là đã được sử dụng trong nhiều vụ tự tử và giết người hơn bất kỳ loại cây độc nào khác.
Như đã nói ở trên, độc tính của cây Cerbera odollam tồn tại ở trong hạt (trong quả) của nó. Hạt Cerbera odollam có chứa một loại độc tố mạnh gọi là cerberin, gây ngừng tim. Cerberin là chất cardenolide hoạt động chính, có khả năng làm rối loạn chức năng của cơ tim, dẫn đến nhịp tim không đều, có thể gây tử vong nếu tiêu thụ đủ cerberin.
Bên trong lớp vỏ xù xì này là độc dược gây ngừng tim của Cerbera odollam.
Chúng đã được sử dụng để giết người hoặc tự sát ở Ấn Độ (do đó ở Ấn Độ, cây này còn có tên gọi riêng là Indian Suicide Tree - Cây tự sát Ấn Độ).
Do đó, cây Cerbera odollam là nguyên nhân gây ra khoảng 50% các vụ ngộ độc thực vật và 10% tổng số vụ ngộ độc tại bang Kerala, miền nam Ấn Độ. Cụ thể, từ năm 1989 đến 1999, Cerbera odollam đã gây ra cái chết cho hơn 500 người chỉ riêng ở bang Kerala.
Các triệu chứng của ngộ độc Cerbera odollam bao gồm cảm giác bỏng rát trong miệng, nôn mửa, đau đầu, nhịp tim và hô hấp không đều. Nó thậm chí có thể dẫn đến hôn mê và, như đã nói ở trên, tử vong. Điều đáng nói là độc tố này không có thuốc giải!
Vào thế kỷ 19 ở Madagascar, nơi cũng tìm thấy cây độc này, hàng nghìn người mỗi năm đã chết sau khi tiêu thụ hạt độc trong “thử thách bằng thử thách” được cho là để xác định xem họ có phạm tội phù thủy hay các tội ác khác hay không.
Và một nghiên cứu năm 2004 cho thấy rằng nó là nguyên nhân gây ra khoảng một cái chết mỗi tuần ở Kerala (Ấn Độ), hầu hết là tự tử.
Các nhà nghiên cứu tin rằng nhiều người đã tự kết liễu cuộc sống của mình bằng cách sử dụng Cerbera odollam nhiều hơn bất kỳ loài thực vật độc nào khác trên thế giới.
Trên thực tế, phụ nữ là nạn nhân của “cây tự sát” nhiều hơn so với đàn ông, theo nghiên cứu năm 2004 về loại cây độc hại này. Các nhà độc chất học nói với AFP rằng từ 70 đến 75% những người sử dụng trái cây để tự tử là phụ nữ, đặt ra câu hỏi về những loại áp lực mà phụ nữ phải đối mặt có thể khiến họ đi đến những lựa chọn tuyệt vọng như vậy.
Độc nhưng vẫn hữu ích
Chiết xuất chất độc của cây này được dùng để sản xuất thuốc diệt khuẩn sinh học.
Vì chứa độc tính mạnh nên cây Cerbera odollam bị các bác sĩ phương Tây, nhà hóa học, nhà phân tích và thậm chí cả nhân viên điều tra và nhà nghiên cứu chất độc pháp y bỏ qua.
Tuy nhiên, thoe các nhà khoa học, khách quan mà nói, cây Cerbera odollam không phải là không có những công dụng của nó.
Các nhà khoa học cho biết có thể chiết xuất chất độc này để sản xuất thuốc diệt khuẩn sinh học (như trừ sâu sinh học, thuốc chống côn trùng và thuốc diệt chuột), chất khử mùi, và có khả năng là nguyên liệu thô để sử dụng trong sản xuất dầu diesel sinh học. Vỏ, lá và dầu hạt được sử dụng trong y học cổ truyền dân gian.
Vì vậy, mặc dù là một trong những cây độc nhất thế giới, cây tự sát ít nhiều có một số lợi ích cho chúng ta.
- Dưa hấu mọc trên sa mạc, các chuyên gia cảnh báo: Có khát cũng không được chạm vào
- Phát hiện loài lan không lá quý hiếm ở Quảng Trị
- Cây cọ kỳ lạ nở hoa trong hoang mạc