Giải mã hiện tượng "bàn tay bọt biển" kỳ lạ
Các nhà nghiên cứu đã nhận diện được thủ phạm gen gây một căn bệnh da hiếm gặp, biến bàn tay thành màu trắng và rỗ như miếng bọt biển.
Thống kê cho thấy, tỉ lệ người bị mắc bệnh "bàn tay bọt biển" hiện nay trên thế giới là 1/40.000. Căn bệnh này sẽ khiến da ở lòng bàn tay và lòng bàn chân bị dày lên.
Nghiên cứu đối với các gia đình mắc căn bệnh da liễu hiếm gặp trên ở Anh và Thụy Điển đã hé lộ sự thay đổi gene ở một chất hóa học chủ chốt, nắm quyền kiểm soát sự mất nước khỏi cơ thể. Các nhà khoa học nhận định, phát hiện này sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về cơ chế tự làm ẩm của da.
Một bàn tay của người bị bệnh khi ngâm nước (bìa trái) và khi chưa ngâm nước (bìa phải). (Ảnh: BBC)
Theo David Kelsell - giáo sư chuyên ngành di truyền học phân tử của người đến từ Đại học London (Anh) và là chuyên gia đứng đầu nghiên cứu, người bình thường khi ngâm mình trong nước khoảng một giờ đồng hồ thì da bắt đầu trở nên trắng bệch và nhăn nheo. Hiện tượng này cũng xảy ra ở người mắc chứng "bàn tay bọt biển" nhưng xuất hiện với tốc độ nhanh hơn.
Tên gọi chính thức của căn bệnh "bàn tay bọt biển" là dày sừng bàn tay - bàn chân không ly thượng bì lan tỏa (bệnh Unna - Thost). Căn nguyên gây bệnh là do lỗi ở một chất hóa học có tên gọi là aquaporin 5, vốn giữ vai trò quyết định về sự sản sinh nước bọt, nước mắt và những dịch bài tiết khác.
Nghiên cứu cũng cho thấy, aquaporin 5 cũng hiện diện ở da với hàm lượng tập trung cao hơn ở bàn tay và bàn chân. Sự thay đổi về gene liên quan đến chất hóa học này dường như khiến da xốp và rỗ hơn, cho phép nước thấm qua da nhanh hơn.