Giải mã hiện tượng "tình yêu sét đánh"

Tình yêu từ cái nhìn đầu tiên hay còn gọi là "tình yêu sét đánh" hoàn toàn có thể xảy ra với bạn nhờ hoạt động của phần vỏ não trước trán - vùng não vừa được phát hiện đóng vai trò chủ chốt trong quá trình ra quyết định liên quan đến tình cảm lãng mạn.

Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Ireland, các phần khác nhau thuộc vùng vỏ não trước trán, chịu trách nhiệm đưa ra phán xét nhanh chóng về sự hấp dẫn thể chất cũng như ai là "một nửa" của chủ thể chỉ trong vòng vài miligiây nhìn thấy một gương mặt mới. Đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng việc hẹn hò trong thế giới thực để tìm hiểu xem bộ não ra các quyết định tình cảm nhanh chóng như thế nào.

 

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm với 78 phụ nữ và 73 nam giới độc thân cũng như không đồng tính. Những người tình nguyện được yêu cầu tham gia một buổi hẹn hò cấp tốc, trong đó, họ sẽ đi vòng quanh phòng và trò chuyện với mỗi người khác giới trong vòng 5 phút. Sau khi gặp vào chào hỏi, họ đã điền vào các mẫu phiếu chỉ rõ bản thân muốn gặp lại bạn khác giới nào.

Trước khi buổi hẹn hò diễn ra, nhóm nghiên cứu đã tiến hành chụp ảnh não của những người tình nguyện. Sử dụng máy chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI), các nhà khoa học sau đó đã ghi lại hoạt động não của các đối tượng nghiên cứu khi họ nhìn thấy ảnh của những người sẽ gặp trong buổi hẹn hò. Đối với mỗi bức ảnh, những người tình nguyện có vài giây để đánh giá, với thang điểm từ 1 - 4 về mức độ mong muốn tăng dần cho việc hẹn hò với người trong ảnh. Họ cũng thông báo đánh giá của bản thân về sức hấp dẫn thể chất cũng như mức độ đáng yêu của đối tượng trong ảnh.

Nhóm nghiên cứu phát hiện, khi cuộc hẹn hò cấp tốc diễn ra vài ngày sau đó, khi những người tình nguyện có cơ hội "mặt đối mặt" với các đối tượng trong ảnh, họ nhìn chung tỏ ra "trung thành" với ấn tượng ban đầu từ việc ngắm ảnh. Gần 63% khoảng thời gian, những người tình nguyện dành để tiếp xúc với đối tượng mà mình "đã có tình ý" qua ảnh và rốt cuộc cũng có quyết định trùng khớp sau 5 phút gặp gỡ chớp nhoáng.

Trang Live Science dẫn lời Jeffrey Cooper, một thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết, những người tình nguyện thấy "tâm đầu ý hợp" với một đối tượng tình nguyện khác giới khác trong phạm vi cuộc nghiên cứu thực tế cũng trao đổi số điện thoại với nhau, và khoảng 10% - 20% số cặp đôi này đã liên lạc lại sau đó.

Điều khiến các nhà khoa học vô cùng thích thú là khám phá về cách thức bộ não đã đưa ra quyết định "tình yêu sét đánh". Họ phát hiện mối liên hệ giữa một vùng nhất định trong phần vỏ não trước trán có tên gọi paracingulate cortex với những quyết định cuối cùng của chủ thể về việc hẹn hò. Vùng não này cũng đã tăng hoạt động khi những người tình nguyện nhìn thấy ảnh về đối tượng mà về sau họ xác nhận là "một nửa" của mình qua gặp mặt trực tiếp.

"Chúng tôi cho rằng, quá trình này đặc biệt liên quan đến việc so sánh các khả năng trong hàng loạt lựa chọn hoặc với một dạng tiêu chuẩn nào đó", nhà nghiên cứu Cooper nói thêm.

Trong khi đó, vùng vỏ thùy giữa trán (ventromedial prefrontal cortex) cũng đặc biệt trở nên năng động khi những người tình nguyện nhìn thấy gương mặt mà họ cho là hấp dẫn và cũng nhận được sự đồng tình của hầu hết số người khác. Khi họ chiêm ngưỡng một khuôn mặt tự bản thân đánh giá là hấp dẫn nhưng không nhận được sự đánh giá cao của những người khác, một vùng não khác của chủ thể sẽ được kích hoạt: rostromedial prefrontal cortex.

Nhóm nghiên cứu kết luận, trong vài miligiây đầu tiên khi nhìn thấy khuôn mặt mới, chúng ta sẽ đánh giá về sức hấp dẫn thể chất. Tuy nhiên, vùng rostromedial prefrontal cortex sẽ phân tích sâu hơn và nhanh chóng tìm ra câu trả lời xem liệu người đó có "hợp" với chủ thể không. Đây là các quá trình riêng rẽ trong đầu chủ thể và giúp chủ thể tìm được "một nửa" của mình chỉ trong chớp nhoáng.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất