Giải mã sự trường tồn của đê biển thời La Mã
Các nhà khoa học đã khám phá ra bí mật tạo nên sự bền vững cho các công trình đê chắn biển thời La Mã trong cả ngàn năm qua.
Theo báo Guardian (Anh), các công trình đê chắn sóng từ thời La Mã vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt" trong hơn 1.500 năm qua, trong khi các công trình tương tự được xây sau này bằng vật liệu mới đều sớm bị khuất phục trước sóng gió đại dương. Tại sao như vậy?
Bê tông đó được trộn từ tro tàn núi lửa, vôi sống, nước biển và đá từ núi lửa.
Trong công trình nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí American Mineralogist, nhà địa chất học Marie Jackson của Đại học Utah, đồng tác giả nghiên cứu về các cấu trúc xây dựng thời La Mã, đã hé mở về loại vật liệu bí mật tạo nên sự bền vững cho công trình của người La Mã.
Theo đó người La Mã đã sử dụng công thức pha trộn bê tông đặc biệt cho các công trình cảng biển và đê chắn sóng của họ. Bê tông đó được trộn từ tro tàn núi lửa, vôi sống, nước biển và đá từ núi lửa.
Nhờ loại nguyên liệu xây dựng đặc biệt này, các công trình bị ngâm nước của người La Mã cổ xưa ngày càng bền vững hơn theo thời gian.
Các nhà khoa học lý giải rằng nước biển đã có những phản ứng hóa học với các vật liệu có nguồn gốc từ núi lửa, từ đó sinh ra loại vật liệu mới giúp các tấm bê tông càng thêm vững chắc.
Nhà nghiên cứu Marie Jackson nhận xét: "Họ đã tốn rất nhiều công sức để phát triển loại vật liệu này. Họ là những người vô cùng thông minh".
Video cho thấy nước biển đã khiến các cấu trúc xây dựng bê tông từ thời La Mã ngày càng bền vững hơn như thế nào - (Nguồn: University of Utah/Youtube).
Các nhà nghiên cứu đã mô tả quá trình phân tích của họ về phần lõi bê tông trong các công trình đê chắn sóng và cảng biển có từ thời La Mã.
Cũng theo các tác giả nghiên cứu, người La Mã đã ý thức được giá trị tuyệt vời của loại vật liệu bê tông do họ tìm ra, tin tưởng vào sự bền vững của nó trước sóng gió và theo thời gian sẽ chỉ càng bền chắc hơn.