Giải mã sức mạnh khủng khiếp của siêu sét
Chiếm chưa đến 1% tổng số các vụ sét đánh, nhưng siêu sét vô cùng đáng sợ. Nghiên cứu mới cho biết vì sao những cú sốc điện này có năng lượng gấp hàng nghìn lần những cú sét thông thường.
Các nhà nghiên cứu ở Trường đại học Jerusalem, Israel và Trường đại học Washington, Mỹ, đã phân tích dữ liệu về các vụ sét đánh trên toàn cầu từ năm 2010 đến 2018 và phát hiện ra rằng vùng tích điện của đám mây có bão càng gần mặt đất hoặc mặt biển thì khả năng xảy ra siêu sét càng cao. Vùng tích điện đó nằm ở phía trên của đám mây nơi diễn ra quá trình điện hóa.
Các nhà khoa học đã lập bản đồ các vụ sét đánh trên toàn thế giới (Ảnh: Journal of Geophysical Research Atmospheres).
Các phát hiện này cũng phù hợp với nghiên cứu trước đây đã xác định vùng biển đông bắc Đại Tây Dương, biển Địa Trung Hải và cao nguyên Altiplano ở Peru và Bolivia là những nơi ghi nhận được nhiều vụ sét đánh nhất. Ở những khu vực này đều, khoảng cách giữa vùng tích điện và mặt biển lạnh hoặc đỉnh núi cao là rất ngắn.
Điều này được giải thích là do vùng tích điện nằm ở trên mức nhiệt độ bằng 0 độ C. Không khí lạnh trên mặt biển làm cho mức nhiệt 0 độ C đến gần bề mặt hơn và những ngọn núi cao hơn buộc không khí phải bốc lên cao hơn, do đó không khí nguội đi và đưa nhiệt độ 0 độ C đến gần bề mặt hơn.
Khoảng cách gần hơn có nghĩa là điện trở thấp hơn và do đó dòng điện mạnh hơn và tia sét sẽ có mức mạnh lớn hơn.
Hình minh họa cho thấy các yếu tố của một đám mây vũ tích. (Ảnh: Journal of Geophysical Research Atmospheres).
Các nhà nghiên cứu cho biết mối tương quan xuất hiện rõ rệt ở đây và nó xảy ra ở ba khu vực. Đây là một phát hiện vô cùng giá trị. Họ đã lập bản đồ dữ liệu các nguyên nhân gây ra sét có cường độ khác nhau, bao gồm: độ cao của mặt đất và mặt nước, độ cao của vùng tích điện, nhiệt độ ở các mức độ hình thành mây khác nhau và nồng độ sol khí (các hạt li ti) trong các đám mây.
Mặc dù các nghiên cứu trước đây có xem xét các mối quan hệ này, nhưng chưa nghiên cứu nào tập hợp chúng lại cùng nhau trong một bức tranh toàn cầu như này. Khác với các nghiên cứu trước đây, nghiên cứu lần này không tìm thấy mối liên hệ giữa siêu sét và sự pha trộn của các sol khí như là bụi sa mạc chẳng hạn.
Khi những siêu sét này phóng xuống bề mặt Trái đất, chúng có thể gây thiệt hại khủng khiếp cho các tòa nhà và tàu thuyền. Những phát hiện mới này sẽ góp phần xác định những địa điểm sét có thể đánh xuống.
Ngoài ra, còn một vấn đề liên quan là biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học cần tìm hiểu xem tình trạng ấm lên toàn cầu sẽ khiến siêu sét xuất hiện nhiều hơn hay ít hơn, những biến đổi của nhiệt độ và độ ấm có vai trò như thế nào.
Để trả lời những câu hỏi đó, cần có các nghiên cứu sâu hơn, và các nhà khoa học vẫn tiếp tục điều tra các yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự hình thành siêu sét, trong đó có những biến đổi của chu kỳ Mặt trời và từ trường Trái đất.