Giải mã virus bí ẩn khiến cây lúa Ấn Độ ngắn ngủn, còi cọc

Tỷ lệ cây nhiễm bệnh trên một cánh đồng dao động từ 2 đến 10%, thậm chí có nơi lên đến 20%, khiến năng suất loại cây này tại Ấn Độ suy giảm đáng kể và thách thức nguồn cung lương thực toàn cầu.

Theo báo Ấn Độ Indian Express, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp (IARI) Ấn Độ đã khảo sát tổng cộng 24 cánh đồng lúa tại các huyện thuộc tỉnh Haryana.


Cây lúa nhiễm bệnh khô héo, còi cọc. (Ảnh: Express)

Sau khi điều tra, nhóm nghiên cứu xác nhận trên những cánh đồng này, căn bệnh bí ẩn khiến cây lúa bị lùn hẳn đi và còi cọc là bệnh lùn sọc đen do virus SRBSDV gây ra. Virus này được lan truyền bởi loài rầy lưng trắng, một loài côn trùng gây hại khiến cây nhiễm bệnh khi đậu vào cây lúa, hút nhựa cây non.

“Virus này xuất hiện trên cây nhiễm bệnh và trên thân loại côn trùng truyền bệnh. Nhưng virus không có trong các hạt lúa trên các cây bị nhiễm bệnh. Virus này không lây truyền qua phần hạt”, ông A K Singh, Giám đốc IARI, nhấn mạnh.

“Các cây bị nhiễm bệnh biểu hiện ra bên ngoài một cách rõ rệt. Rễ chúng kém phát triển và chuyển sang màu nâu”, IARI miêu tả trong báo cáo đã được trình lên Bộ Nông nghiệp. IARI lưu ý các cây nhiễm bệnh có thể dễ dàng bật gốc do rễ nông. Chiều cao của cây còi cọc giảm từ 1/2 đến 1/3 so với cây bình thường.

Các nhà khoa học đã dùng 3 công cụ độc lập gồm kính hiển vi điện tử, xét nghiệm RT-PCR và PCR định lượng thời gian thực để có những kết luận về nguyên nhân khiến cây lúa tại một số vùng lùn đi.

Cuộc điều tra của IARI đã phát hiện ra tình trạng lây nhiễm ở 12 giống lúa. Nhìn chung, các giống lúa không phải dòng lúa thơm basmati bị ảnh hưởng nhiều hơn lúa basmati. Ngoài ra, lúa gieo sạ muộn ít bị nhiễm bệnh hơn lúa sạ sớm.

Do loại virus lây lan qua con rầy lưng trắng nên IARI đã khuyến cáo nông dân theo dõi các cánh đồng để phát hiện loài côn trùng này. Dịch hại có thể được kiểm soát bằng cách phun thuốc diệt côn trùng theo liều lượng khuyến cáo trong khoảng thời gian 15 ngày.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất