Giải Nobel Hóa học thuộc về hai người Mỹ
Hai nhà khoa học Mỹ đoạt Nobel Hóa học năm nay do tìm ra những protein giúp tế bào của cơ thể phản ứng với các tín hiệu từ bên ngoài.
Robert Lefkowitz và Brian Kobilka là tên của hai người Mỹ đoạt giải Nobel Hóa học 2012, AP đưa tin.
Tiến sĩ Robert Lefkowitz (trái) và tiến sĩ Brian Kobilka (phải) sẽ
chia sẻ khoản tiền thưởng 1,2 triệu USD của giải Nobel Hóa học.
“Hai nhà nghiên cứu Robert Lefkowitz và Brian Kobilka đã tạo nên bước đột phá khi phát hiện nhóm thụ thể liên kết với protein G, tên của một nhóm thụ thể quan trọng”, Viện Hàn lâm Khoa học hoàng gia Thụy Điển tuyên bố.
Thụ thể liên kết với protein G (hay thụ thể bảy đoạn xoắn ốc, thụ thể uốn khúc hình rắn) là một họ protein lớn bao gồm những thụ thể màng sinh chất có khả năng cảm nhận được các phân tử bên ngoài tế bào. Sau khi phát hiện phân tử bên ngoài tế bào, thụ thể kích thích các quá trình truyền dẫn tín hiệu để tạo ra phản ứng thích hợp cho tế bào. Nhờ cơ chế đó, chúng giúp cơ thể phát hiện những thay đổi ở môi trường bên trong và bên ngoài.
Khoảng một nửa số dược phẩm trên thế giới tương tác với thụ thể bảy đoạn xoắn ốc. Vì thế việc nghiên cứu chúng sẽ giúp giới khoa học tìm ra những loại thuốc hiệu quả hơn.
Thụ thể bảy đoạn xoắn ốc có khả năng cảm
nhận các phân tử bên ngoài tế bào. (Ảnh: SPL)
Tiến sĩ Lefkowitz đang làm việc tại Viện Y khoa Howard Hughes tại bang Maryland, còn tiến sĩ Kobilka là nhà nghiên cứu của Đại học Stanford.
"Đối với các chất truyền dẫn thần kinh và hoóc môn trong cơ thể, thụ thể bảy đoạn xoắn ốc giống như cánh cửa dẫn vào tế bào. Chúng điều khiển phần lớn những quá trình sinh lý của con người. Khi cơ thể người mắc bệnh, bác sĩ phải tìm cách điều chỉnh hoạt động của các thụ thể bảy đoạn xoắn ốc", Lefkowitz nói với các phóng viên tại cuộc họp báo của Hội đồng Nobel qua điện thoại.
Sven Lidin, một thành viên trong Hội đồng Nobel, minh họa vai trò của thụ thể bảy đoạn xoắn ốc bằng cảm giác sợ hãi.
"Khi con người cảm thấy sợ hãi, một tín hiệu hóa học sẽ di chuyển qua màng tế bào để tới hàng tỷ tế bào", Lidin nói.
Với quyết định của Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển hôm nay, tổng số người nhận giải Nobel Hóa học đã tăng lên con số 163. Số tiền thưởng hiện nay của các giải Nobel là 1,2 triệu USD.