Giải thưởng L’Oréal – UNESCO ba nhà khoa học nữ tiêu biểu năm 2019

Ba nhà khoa học nữ được Hội đồng khoa học L’Oréal – UNESCO vinh danh, hỗ trợ 150 triệu đồng để nghiên cứu sâu hơn đề tài đang theo đuổi.

Sáng 12/12, chương trình Giải thưởng L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học đã trao học bổng cho 3 Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2019 với các nghiên cứu tiềm năng tại Việt Nam năm 2019, vinh danh 32 nhà khoa học nữ xuất sắc đã góp phần thay đổi ngành khoa học Việt Nam trong 10 năm qua. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, GS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng lãnh đạo ban, ngành, tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu tham dự sự kiện.

Ba nhà khoa học nữ xuất sắc được lựa chọn năm nay vì có thành tích nghiên cứu khoa học nổi bật thông qua số lượng các công bố trên tạp chí quốc tế, ấn phẩm khoa học được xuất bản, hoạt động nghiên cứu khoa học đã và đang tham gia. GS Châu Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng khoa học giải thưởng cho biết, trong số các hồ sơ được gửi đến chương trình, ba nhà khoa học được vinh danh có nghiên cứu ý nghĩa và tiềm năng ứng dụng thực tiễn cao.


Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Thị Ngọc Thịnh (thứ hai từ trái qua) và Ban tổ chức trao giải cho ba nhà khoa học nữ. (Ảnh: BN).

Trong số này, PGS. TS Hồ Thị Thanh Vân, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ đối ngoại, Đại học Tài nguyên và Môi trường, TPHCM với đề án nghiên cứu tổng hợp xúc tác nano hợp kim Pt-Mo trên vật liệu nano Ti0, 8W0, 2O2 để nâng khả năng chịu độc CO và giảm giá thành cho loại pin nhiên liệu sử dụng trực tiếp methanol là một dạng năng lượng tái tạo. 

Hướng nghiên cứu này sẽ mang đến lợi ích thiết thực trong việc sử dụng rộng rãi pin nhiên liệu, để thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch và giảm sự nóng lên toàn cầu do khí thải CO2.


PGS. TS Hồ Thị Thanh Vân nghiên cứu nâng khả năng chịu độc CO và giảm giá thành cho loại pin nhiên liệu sử dụng trực tiếp methanol.

Đề án nghiên cứu này sẽ giúp giải quyết việc giảm sử dụng kim loại quý Pt đồng thời cải thiện hiệu suất của hợp kim so với Pt nguyên chất, nhờ đó nâng cao hoạt tính và thời gian hoạt động của xúc tác điện hóa Pt, mang đến hiệu quả về chi phí, hoạt động và độ bền cao để có thể thương mại hóa được loại pin nhiên liệu thân thiện với môi trường này trong thời gian không xa.

Nhà khoa học thứ hai được vinh danh là TS Trần Thị Hồng Hạnh, Viện Hóa sinh biển, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có nghiên cứu sử dụng phương pháp sắc ký vân tay kết hợp với thiết bị hiện đại để đánh giá thành phần dược liệu và chất lượng dược liệu nhằm cung cấp bộ dữ liệu về thành phần các hoạt chất có trong mẫu dược liệu nghiên cứu bao gồm cấu trúc hóa học, thành phần, hàm lượng chất, làm cơ sở cho việc đánh giá chất lượng dược liệu trên thị trường. Phương pháp sắc ký vân tay còn được áp dụng trong đánh giá thành phần thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ dược liệu.


TS Trần Thị Hồng Hạnh với nghiên cứu đánh giá thành phần dược liệu bằng phương pháp sắc ký vân tay.

Đề án này có ý nghĩa quan trọng trong tình hình hiện nay khi nhu cầu sử dụng dược liệu trong phòng bệnh và chữa bệnh ở Việt Nam ngày càng gia tăng, tuy nhiên theo báo cáo của Cục quản lý dược, Bộ y tế thì phần lớn dược liệu trên thị trường Việt Nam được nhập từ nước ngoài, hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc do vậy chất lượng dược liệu không được đảm bảo.

Đề án nghiên cứu về thành phần chất lượng các loài dược liệu qua phương pháp dấu vân tay sắc ký fingerprint sẽ giúp việc xác định về định tính và định lượng chất lượng các thảo dược nhanh chóng và có độ chính xác đáng tin cậy, để từ đó làm cơ sở khoa học chứng minh tác dụng của dược liệu trong y học cổ truyền đồng thời tìm ra các tác dụng, công dụng mới của dược liệu phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng. 


TS Phạm Thị Thu Hà nghiên cứu chọn lọc giống lúa chịu mặn. (Ảnh: NVCC).

TS Phạm Thị Thu Hà, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu di truyền và giống, Đại học Tôn Đức Thắng, TPHCM là nhà khoa học thứ ba trong danh sách vinh danh năm nay.

TS Hà đã nghiên cứu về phát triển các giống lúa chịu mặn thông qua chọn lọc bằng dấu chuẩn phân tử và phổ biến chúng ở các vùng bị ảnh hưởng của điều kiện mặn tại ĐBSCL. Nghiên cứu này tận dụng các công cụ nhân giống hiện đại, trong đó có lai chéo hỗ trợ đánh dấu (MAB), để phát triển các giống lúa chịu mặn có năng suất cao thích nghi với điều kiện ở miền Nam Việt Nam, được xây dựng dựa trên kiến thức thu được có liên quan đến việc kiểm soát di truyền về khả năng chịu mặn ở lúa, để tăng tốc độ và hiệu quả phát triển các giống cải tiến.

10 năm qua, chương trình Giải thưởng và học bổng nghiên cứu khoa học dành cho nữ giới này đã vinh danh 32 nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam vì những nghiên cứu được đánh giá là có ý nghĩa khoa học quan trọng, góp phần cải thiện và thay đổi cuộc sống và giúp họ tiếp tục theo đuổi niềm đam mê trong khoa học. Trong số này, có 2 tiến sĩ nữ đã được trao giải Nhà khoa học nữ trẻ tài năng thế giới vào năm 2015 và năm 2018 tại Paris qua những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học và có niềm đam mê cống hiến cho nghiên cứu khoa học.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất