Giàn turbine gió kép mạnh nhất thế giới ra khơi
Thiết kế hình chữ V của turbine kép OceanX cung cấp 16,6 MW, sản xuất 54.000 MWh điện hàng năm, đủ để cung cấp cho 30.000 hộ gia đình Trung Quốc.
Công ty Năng lượng thông minh Minh Dương bắt đầu hành trình lắp đặt giàn turbine gió nổi đơn lớn nhất thế giới, ra khơi từ cảng thành phố Quảng Châu ở miền nam Trung Quốc tới điểm đến cuối cùng ở Trang trại điện gió ngoài khơi Qingzhou IV ở Dương Giang, Quảng Đông, Interesting Engineering hôm 13/8 đưa tin. Theo công ty, hành trình dài 354 km dự kiến hoàn thành trong 72 giờ.
Ocean X được kéo tới trang trại điện gió Qingzhou IV. (Ảnh: Interesting Engineering).
Ocean X có hình chữ V với turbine kép và tổng công suất 16,6 MW. Giàn nổi đơn này có thể sản xuất 54.000 MWh điện hàng năm, đáp ứng nhu cầu của khoảng 30.000 hộ gia đình trong nước. Mớn nước kéo theo thiết kế của OceanX là 5,5 m, tổng trọng lượng vào khoảng 12.000 tấn. Để đảm bảo di chuyển an toàn, các kỹ sư đã điều chỉnh cánh quạt lớn của turbine để giảm bớt độ cồng kềnh.
Turbine gió có thể hoạt động liên tục, dù công suất điện có thể biến động trong khi trang trại điện mặt trời bị hạn chế do không thể sản xuất điện vào ban đêm. Trong nhiều năm qua, turbine gió tăng dần về kích thước, sản xuất nhiều điện hơn với mỗi vòng quay. Ban đầu, mục tiêu là chuyển turbine gió ra ngoài khơi để tiết kiệm đất cho hoạt động trồng trọt. Tuy nhiên, lợi ích từ việc khai thác sức gió mạnh hơn trên biển đã dẫn tới ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ngày càng phát triển.
Minh Dương hướng tới hỗ trợ thế giới chuyển đổi sang năng lượng bền vững với công nghệ điện gió nổi ngoài khơi tiên tiến, bao gồm hệ thống MySE 5,5MW và MySE 7,25MW, cùng với turbien 16,6 MW cao cấp (turbine gió nổi rotor kép OceanX). Minh Dương sản xuất giàn OceanX thông qua hợp tác với Công ty đóng tàu Huangpu Wenchong và Tập đoàn đóng tàu Trung Quốc.
Nằm trên cấu trúc hình chữ V của OceanX là hai rotor quay ngược chiều, mỗi rotor chạy nhờ turbine gió MySE16.6(T) với đường kính cánh quạt 182 m. Để đảm bảo độ ổn định tối ưu, cấu trúc này được lắp đặt trên giàn nổi hình chữ Y và gia cố bằng dây cáp chịu lực căng cao. Giàn nổi nặng khoảng 15.000 tấn được thiết kế để hoạt động ở vùng biển sâu hơn 35 m, cho phép khai thác tối đa tài nguyên gió ngoài khơi.
Theo Minh Dương, quá trình xây dựng giàn nổi sử dụng bê tông hiệu suất siêu cao để tăng cường độ bền và tính kinh tế. OceanX sử dụng hệ thống neo một điểm giúp giảm tác động tới môi trường biển và tăng độ ổn định trong bão mạnh. Ngoài ra, giàn nổi có thể chịu sức gió 260km/h và sóng cao tới 30 m trong điều kiện bão cấp 5, đồng thời duy trì sản xuất điện.
- Turbine nổi hai đầu hoạt động trong gió bão
- Công nghệ tuabin mới hứa hẹn gây đột phá trong lĩnh vực năng lượng tái tạo
- Tuabin gió khổng lồ này chỉ cần quay một vòng đã có thể cung cấp năng lượng cho một ngôi nhà trong 2 ngày!