Giới khoa học phản ứng vì thiếu dữ liệu cúm gia cầm

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết đã công bố dữ liệu mới vào ngày 21/4 về cúm gia cầm nhiễm trên gia súc, nhưng các nhà khoa học không tìm thấy được bất cứ thông tin nào.

Tính đến ngày 23/4, các nhà khoa học vẫn không tìm thấy thông tin về trình tự di truyền của virus cúm gia cầm trên gia súc tại Mỹ, mà Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nói đã công bố trước đó. Các thông tin có sẵn chỉ mới là dữ liệu thô và không nhiều hữu ích, theo CNN.


Cúm gia cầm H5N1 được xác định lây nhiễm cho gia súc, có trong sữa, điều này khiến giới khoa học lo ngại. (Ảnh: Adobe Stock Images).

Các nhà khoa học cho rằng chính phủ Mỹ đang rất chậm trong việc công bố thông tin về đợt bùng phát cúm gia cầm, được xác nhận đã lây nhiễm ở gia súc sau một tháng.

Tiến sĩ Rick Bright, nhà miễn dịch học và nhà nghiên cứu vaccine, đã liên hệ các bên chuyên nghiên cứu về cúm, bao gồm Sáng kiến Toàn cầu về Chia sẻ tất cả dữ liệu Cúm (GISAID), để xem liệu có bỏ sót thông tin hay không.

Nhà khoa học dữ liệu Lucas Freitas của GISAID xác nhận không có trình tự nào được USDA đăng tải. "Chúng tôi sẽ không bỏ lỡ nó. Cúm H5 là lý do GISAID ra đời", Chủ tịch Freitas Peter Bogner nói.

GISAID, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Đức, vốn được xem như nơi chia sẻ dữ liệu di truyền uy tín trên thế giới, được các nhà khoa học tận dụng để trao đổi và cập nhật thông tin về virus, chẳng hạn từng theo dõi khả năng tiến hóa của virus gây Covid-19.

Khi USDA xác nhận H5N1 đã được phát hiện ở bò sữa tại bang Texas và Kansas vào ngày 25/3, tin tức này đã khiến các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm phải cảnh giác và họ mong muốn có thêm thông tin để xem virus đã thay đổi như thế nào khi nhắm vào vật chủ mới.

Cơ quan Kiểm tra Sức khỏe Động vật và Thực vật của USDA (APHIS) cho biết H5N1 hiện đã được tìm thấy ở 32 đàn gia súc ở 8 bang. Tuy nhiên, nhiều tuần trôi qua và rất ít dữ liệu về đợt bùng phát ở Mỹ được chia sẻ với cộng đồng khoa học toàn cầu.


Trụ sở Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). (Ảnh: Federal News Network).

USDA nói rằng thường xuyên xuất bản các bài nghiên cứu lên GISAID. Trong tuyên bố ngày 21/4, cơ quan này nói đã chia sẻ 239 trình tự di truyền từ đợt bùng phát H5N1, bao gồm gia súc, mèo, gà, chồn hôi, gấu mèo, một số loài chim và ngỗng.

Tuy nhiên, liên quan đến dữ liệu di truyền H5N1 mới nhất, các nhà khoa học chỉ tìm thấy dữ liệu thô, được gọi là tệp FASTQ, được USDA đăng tải lên cơ sở dữ liệu của Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ.

Các tệp này bị coi là thiếu minh bạch, khi không có những thông tin quan trọng để giúp các nhà khoa học theo dõi quá trình tiến hóa của virus, chẳng hạn không có ngày thu thập mẫu chính xác mà chỉ có con số "2024", cũng như nơi thu thập mẫu là "Mỹ". Dữ liệu cũng không nói rõ cách lấy mẫu từ bộ phận nào của con vật.

Quan chức về quan hệ công chúng của USDA nói rằng APHIS thường chia sẻ dữ liệu di truyền lên GISAID. Tuy nhiên, để đăng tải dữ liệu sớm nhất có thể, cơ quan này đăng tải dữ liệu chưa được phân tích lên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ. Hiện không rõ phiên bản mới nhất có chứa toàn bộ trình tự gene mà USDA công bố hay không.

Các nhà khoa học đang theo dõi sát sao tình trạng virus cúm gia cầm bắt đầu lây lan trên gia súc. Một trường hợp gia súc nhiễm H5N1 lây sang người đã được ghi nhận tại Mỹ vào đầu tháng 4.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất