Giới thiệu cách gọi mới của một tỷ tỷ gigabyte
Hệ thống Đơn vị Quốc tế vừa giới thiệu quettabyte, cách biểu thị một tỷ tỷ gigabyte.
Đến những năm 2030, thế giới sẽ tạo ra khoảng một triệu tỷ gigabyte (GB) dữ liệu mỗi năm. Số đĩa DVD để ghi lại lượng dữ liệu này đủ xếp chồng từ Trái Đất đến Hỏa tinh. Sự phát triển bùng nổ của dữ liệu đòi hỏi một đơn vị mới để mô tả.
Tahoe Reno 1, trung tâm dữ liệu trị giá 3 tỷ USD của Switch và là một trong những trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới. (Ảnh: Tech Vision).
Đại diện của các chính phủ trên toàn thế giới đã họp tại Đại hội về Trọng lượng và Đo lường (CGPM) vào ngày 18/11, và chọn ra tiền tố mới cho Hệ thống Đơn vị Quốc tế (SI), quetta, để mô tả lượng dữ liệu khổng lồ này.
Một quetta tương đương với một tỷ tỷ, hay 10 mũ 30. Một tỷ tỷ GB được gọi là một quettabyte.
Họ cũng chọn ra tiền tố ronna để biểu thị 10 mũ 27, và 2 tiền tố khác để biểu thị các số cực nhỏ. Ronto biểu thị 10 mũ −27 và quecto biểu thị 10 mũ −30. Trái Đất nặng khoảng một ronnagram, và khối lượng của một electron là khoảng một quectogram.
Lần cuối cùng hệ thống tiền tố được cập nhật là vào năm 1991, khi các bên chọn ra tiền tố yotta để biểu thị 10 mũ 24. Cập nhật khi đó nhằm phục vụ các tiến bộ trong lĩnh vực hóa học.
Ngày nay động lực chính là khoa học dữ liệu, Richard Brown, nhà đo lường học tại Phòng thí nghiệm Vật lý Quốc gia Vương quốc Anh, cho biết. Brown là người đã chọn ra tiền tố quetta và đề xuất cho CGPM.
Hệ thống làm mát trung tâm dữ liệu Oregon của Google. Các đường ống màu xanh dẫn nước lạnh và các đường ống màu đỏ dẫn nước ấm đi làm mát. (Ảnh: boredpanda).
Với khối lượng dữ liệu hàng năm được tạo ra trên toàn cầu quá lớn, mọi người đã bắt đầu tự đặt ra các tiền tố biểu thị 10 mũ 27, chẳng hạn như hella hay bronto, dẫn đến các tên gọi không chính thức như hellabyte.
Bộ chuyển đổi đơn vị của Google hiển thị rằng một tỷ tỷ GB bằng một hellabyte. Một trang web của chính phủ Vương quốc Anh thì gọi đó là một brontobyte.
Brown cho biết việc sử dụng bừa bãi như vậy dễ gây nhầm lẫn, vì các ký hiệu h và b viết tắt cho hella và bronto đã được sử dụng trong hệ mét cho các đơn vị hoặc tiền tố khác. Chẳng hạn, h là viết tắt của hecto chỉ bội số, H là viết tắt của Henry chỉ điện cảm.
Để tìm ra các tiền tố mới, Brown tìm kiếm các từ có chữ viết tắt chưa từng được sử dụng làm ký hiệu cho các đơn vị hoặc tiền tố cũ. Tiền tố mới cũng cần phù hợp với tiền lệ.
Chẳng hạn, những tiền tố mang ý nghĩa số lớn, chẳng hạn như giga hay 10 mũ 9, thường kết thúc bằng 'a'. Tiền tố mô tả số nhỏ, chẳng hạn như atto hay 10 mũ -18, thường kết thúc bằng 'o'.
Các chuyên gia cho biết thêm SI hiện chưa cần các số nhỏ như ronno hay quecto, mục đích đưa ra các tiền tố này là cân bằng thang đo với phía số lớn.
Sau quetta, không còn chữ cái nào trong bảng chữ cái để biểu thị các tiền tố mới, vì vậy vẫn chưa rõ sẽ chọn ra các tiền tố biểu thị số lớn hơn 10 mũ 30 như thế nào, theo Brown.
- Vì sao mùa đông miền Bắc lại nóng bất thường, trái ngược dự báo?
- Những điều chưa biết về bãi chôn lấp phóng xạ của Mỹ trên Thái Bình Dương
- Thị trấn hẻo lánh nhất Canada: Đi chợ mất tới 2 ngày, mùa đông chìm trong bóng tối, không nhà nào có địa chỉ