Guatemala phát hiện di tích hơn 2.700 năm tuổi của người Maya
Các chuyên gia khảo cổ Guatemala vừa thông báo tìm thấy 2 bếp ăn tập thể có niên đại hơn 2.700 năm của tộc người thổ dân Maya tại ngôi làng Santa Fe Ocaña de la Cruz Blanca ở huyện San Juan Sacatepequez, miền Nam nước này.
Bên cạnh đó, nhóm khai quật cũng tìm thấy một kênh đào để dẫn và dự trữ nước phòng khô hạn. Nhà khảo cổ Sandra Carrillo cho biết những công trình này là những tư liệu quý báu cho phép giới khoa học ngày nay hiểu rõ hơn về sinh hoạt và cách tổ chức cộng đồng của người Maya, một trong 3 nền văn minh rực rỡ nhất của người thổ dân châu Mỹ (cùng người Aztec và Inca).
Theo nghiên cứu sơ bộ, hai bếp ăn trên được ghép bằng 1.420 và 1.150 viên đá, những dấu tích còn lại cho thấy tộc người Maya trong thời đại này thường chia thành các nhóm luân phiên nấu ăn trong bếp tập thể này.
Bảng chữ đá cổ hé lộ bí ẩn về nền văn minh Maya ở Guatemala. (Nguồn: IBTimes).
Các cộng đồng của người Maya có lịch sử khoảng 3.000 năm, trải rộng trên khu vực được đặt tên là Bình nguyên Trung Mỹ, gồm lãnh thổ của các nước Guatemala, Belize, Honduras, El Salvador và phía Nam Mexico.
Quá trình phát triển của nền văn minh này được chia thành 3 giai đoạn chính: tiền cổ điển, cổ điển và hậu cổ điển; và trước đó là thời kỳ sơ khởi khi những tộc người Maya bắt đầu định cư và phát triển trồng trọt, và trở thành thế lực thống trị tại Bình nguyên Trung Mỹ.
Các tộc người Maya khi đó chia thành khoảng hơn 10 nhóm ngôn ngữ khác nhau, là nguồn gốc của 44 thổ ngữ Maya hiện đại.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, nền văn minh của người Maya không biến mất và tới nay vẫn còn nhiều cộng đồng của tộc người này sinh sống tại các khu vực xa xôi hẻo lánh của Bình nguyên Trung Mỹ, tuy nhiên sức mạnh kinh tế, quân sự và chính trị của họ thì đã sụp đổ từ thế kỷ XVI trước cả khi những người Tây Ban Nha đặt chân tới vùng đất này.