Hà Nội hứng chịu trận mưa lớn nhất trong 35 năm
Cảnh tượng chưa từng có ở Hà Nội, nước ngập mênh mông từ sáng đến nửa đêm. Ra đường lúc nửa đêm, bạn có thể không nhận nổi phố bởi chúng giống nhau đến mức chỉ có nước và nước.
Mời quý vị xem video thời sự tối ngày 31/10
Nửa đêm 31/10, dù trời đã ngớt mưa nhưng toàn bộ các tuyến phố vẫn ngập sâu, giữa biển nước là những chiếc ôtô đã chết máy từ chiều, nằm im cho nước ngập vào trong xe.
Trên phố Láng Hạ, một đội dã chiến là những cửu vạn ở chợ lao động được một chủ xe thuê để đưa chiếc BMW X5 ra khỏi đoạn đường ngập sâu gần đến ngực.
Đám "công nhân đẩy xe" hét vang cả một góc phố nhưng chiếc xe cũng chỉ đi được với tốc độ người đi bộ, đi được 2 bước lại bị sóng đánh ngược lại một bước.
Ngược chiều là một chiếc xe tải 1,5 tấn đang rồ ga lao như tên bắn, trong tiếng vỗ tay cổ vũ của cả gần trăm người đi bộ hai bên đường. Đến giữa đoạn ngập, chiếc xe như bị bóp nghẹt, hự hự rồi dừng khựng lại trong tiếng vỗ tay to hơn. Sóng từ chiếc xe làm nước dềnh từ bụng lên gần đến ngực của những người đi bộ bên đường.
Lẫn trong những chiếc xe 4 chỗ, 7 chỗ nằm im giữa biển nước là cả những chiếc xe cứu hộ, làm nhiệm vụ cấp cứu xe ngập nước nhưng cũng chết máy nằm im, trong đó có cả chiếc xe 6 tỷ đồng, được coi là "xịn" nhất của ngành giao thông.
Câu hỏi được hỏi nhiều nhất lúc đêm tối là: Đoạn đường trước mặt có ngập nặng không? Có qua được không?... Quá nửa đêm, nhiều xe không dám mạo hiểm đi vào vùng ngập vì không hỏi ai để biết có quá sâu không, đành lặng lẽ quay đầu dù đó là đường một chiều.
Toàn bộ bãi cỏ trên dải phân cách đều bị cày nát do các phương tiện leo qua để đi chiều ngược lại. Những hàng rào sắt trên đường bị đẩy đổ, những đoạn "lô cốt" được gỡ bung ra để quay đầu xe ở những đoạn ngập nặng.
Trên tất cả các tuyến phố ngập nước, những nhà có cửa nhôm kéo đều bị sóng đánh bung cửa, có nhà nửa đêm bật đèn sáng trưng ngồi trông hoặc cố gắng gia cố tạm để ngủ. Những nhà có tầng hầm đều bị nước tràn vào.
Các quán ăn trên đường Giảng Võ, Láng Hạ, Thái Hà... cháy hàng từ chập tối vì người tắc đường dừng lại ăn chờ nước rút.
Toàn bộ hệ thống taxi hoàn toàn ngưng trệ, khi khách gõ cửa thì hoặc là trong xe không có tài xế hoặc nhận được cái lắc đầu ngán ngẩm. Đây đó vẫn còn những chiếc nhận khách nhưng cũng chỉ đi hết đoạn khô ráo lại dừng. Một số chiếc liều mình lao vào "cửa tử" và đã phải nằm im giữa đường thả khách đi bộ trong nước ngập đến bụng.
|
Cuộc sống đảo lộn
Chị Nguyễn Thị Hoài Trang, khu đô thị Định Công nghĩ đường nào cũng tắc nên ở lại cơ quan (Trung Hoà Nhân Chính), chồng chị cũng ở lại theo chị, hai người gọi đồ ăn nhanh ở tầng 1. Những nhân viên cùng toà nhà cũng ở lại theo vợ chồng chị, có nhóm còn mua cả nồi lẩu lên lai rai qua đêm.
Khu tập thể Đại học Công đoàn, nước ngập lên đến hơn 1m, bà bán hàng tạp hoá thuê sinh viên mang hàng khô theo đơn đặt hàng lên tận phòng khu tập thể với giá hơn bình thường chút.
Các cổng trường, nhiều bậc cha mẹ cho con đi học không đón được đã đi bộ đến trường cõng con qua nước lụt.
Nhiều người đi theo chuyến tàu Bắc Nam ra đến Hà Nội tối nay cũng "nằm im" ở ga vì đoạn này ngập nặng nhất. Những người đi tay không có thể lội nước đi về nhưng nếu có hành lý thì không thể có phương tiện gì có thể chạy qua đây.
Nước tại hồ Gươm đã lên mấp mé bờ, nhiều đoạn ở Đinh Tiên Hoàng nước đã tràn lên đường. Toàn bộ các hoạt động thường ngày quanh bờ hồ ngưng trệ hoàn toàn.
Đoạn đường Lò Đúc và Ngô Thì Nhậm nước ngập vào tận nhà dân hai bên đường không thể phân biệt đâu là đường, đâu là vỉa hè nếu không có hàng cây. Đoàn người lần mò đi trong bóng tối vì ánh đèn nhoang nhoáng không đủ chiếu sáng cho cả tuyến phố mất điện.
Đường quanh hồ Thiền Quang và dọc Lê Duẩn là đoạn ngập sâu và dài nhất, toàn bộ xe máy và hầu hết ôtô đi qua đây đều chết máy. Trên vỉa hè và những đoạn không ngập, xe máy xếp hàng dài cả trăm mét để tháo nước và khởi động. Trên vỉa hè là cả vài chục xe máy đỗ kiểu kê chân chống vào mép vỉa hè, chổng bánh trước lên trời để đổ nước từ trong máy ra.
Chưa bao giờ những người biết về xe máy nhiều việc đến thế, các cửa hàng sửa xe làm việc đến nửa đêm mà xe vẫn xếp hàng dài, cả những người không phải thợ nhưng với một chiếc tô vít và một tẩu bugi đã có thể trở thành thợ và kiếm được 10.000 đến 30.000 đồng/xe.
Âm thanh bao trùm trên tất cả các tuyến phố tối và đêm nay là tiếng đề khởi động xe máy, tiếng đạp phình phịch và tiếng ga gào rú, nhiều đoạn đường được bao trùm bởi khói xe và mùi khét lẹt của nhiên liệu đã được pha với nước. Âm thanh này vẫn tiếp tục đến tận 2-3h sáng 1/10.
Chưa từng có tiền lệ, đã qua nửa đêm mà xe buýt vẫn còn hoạt động với tần suất cao, nhiều xe vẫn nhận khách nhưng nhiều xe đã trả hết đợt khách cuối cùng đang loay hoay tìm đường về bến.
Cảm giác của một người ngoài đường từ trưa đến đêm
Hà Thu, một người dân sống ở Hà Nội có mặt ngoài phố từ trưa đến nửa đêm kể lại cảm giác của mình: Gần như các đường phố Hà Nội đều ngập trong biển nước. Hiếm khi thấy giao thông thành phố trở nên hỗn loạn như trong ngày hôm nay.
Hệ thống đèn tín hiệu mất tác dụng. Người và xe đều không phân biệt đường một chiều hay đường cấm, chỉ cần thấy không bị ngập là lao vào. Từ các con ngõ nhỏ đến các tuyến phố lớn, đâu đâu người ta cũng bắt gặp cảnh người ngập ngụa trong nước, loẹt quẹt áo mưa với chiếc xe đã chết máy.
Rất nhiều người ngã xe vì không thể nhìn thấy rõ đường trong làn nước đục ngầu. Những đoạn đường không ngập, hai bên vỉa hè là hàng loạt những chiếc xe máy được dựng nghiêng lên để chủ nhân đạp lại xe, với hi vọng máy nổ tiếp, có thể vượt qua chặng đường dài phía trước để về nhà.
Người và xe xếp hàng dài trước cửa những cửa hàng sửa xe, sốt ruột chờ đến lượt mình để mau chóng về.
5h chiều, mưa không dứt, dòng người tan tầm bắt đầu ùa ra phố bất chấp mực nước trên các tuyến phố không hề giảm đi. Đi trên các con phố trung tâm Phan Chu Trinh, Bà Triệu, Phố Huế… người ta không thể thoát ra được sang phố khác vì mực nước quá sâu, đường tắc cứng.
Xe ô tô, xe máy chen nhau nằm im lìm, lẫn lộn giữa đường bất lực. Rất nhiều tuyến phố bị cắt điện: Lò Đúc, Hàm Long, Trần Quốc Toản… người dân ngao ngán tát nước trong nhà ra đường trong bóng tối mịt mùng.
Trên con phố dài Lê Duẩn, ga Hà Nội im ắng hơn ngày thường. Chỉ có những đoàn người cứ cắm cúi đi trong mưa, trong rác nổi lềnh phềnh với chiếc xe chết máy.
Lúc này, khi thành phố ngập trong biển nước, khi phải lội qua những đoạn phố dài, mới thấy rõ mức độ ô nhiễm môi trường của đường phố. Rác rưởi chen nhau nổi lềnh phềnh, quấn vào chân người đi đường. Chai lọ, giấy tờ, rau củ, vỏ nilon… là những thứ dễ nhìn thấy nhất.
Không thể phân biệt rõ những gì đang chìm nổi lẫn lộn quanh mình, người đi đường chỉ còn biết nhắm mắt cho qua, cố lội cho nhanh để thoát ra con phố ngập ngụa này để đến một con phố khác cũng đang ngập… không kém.
Cảm giác ghê chân sẽ được thấy rõ nhất nếu đi qua khu vực các con phố có bệnh viện hay nhà ga, bến xe, bởi ở đây lượng rác tập trung rất nhiều, rất đa dạng.
Trận mưa lớn nhất trong vòng 35 năm qua
Trong suốt ngày 31/10, rất nhiều tuyến phố tại Hà Nội trong tình trạng ngập, ùn tắc kéo dài. Nguyên nhân là do lượng nước chưa thoát hết thì lại tiếp tục có mưa to.
Đường đã tắc càng tắc hơn do các xe ô tô, xe máy "chạy" ngập và vô tình đi vào những tuyến phố đang bị ngập, bị tắc nên không thể quay đầu lại.
Rất nhiều cán bộ, công chức, sinh viên, học sinh... ở Hà Nội hiện đang không thể trở về nhà sau 1 ngày làm việc. Lý do là trời vẫn mưa to, nhiều tuyến phố bị ngập, đi đường nào cũng tắc nghẽn.
Nhiều cán bộ công chức trên tuyến phố Láng Hạ, Thái Hà, Giảng Võ, Huỳnh Thúc Kháng... dù muốn về nhà từ 17h nhưng không thể vì bãi xe ngập nước, xe chết máy, trong khi đó taxi và xe ôm từ chối đón khách.
Đến 16h chiều 31/10, theo Công ty thoát nước Hà Nội, lượng mưa đo được tại khu vực nội thành cho thấy đây là cơn mưa lớn nhất trong vòng 24 năm qua, kể từ 1984.
Còn nếu tính các trận mưa ngày thì đây là cơn mưa lớn nhất trong 35 năm qua.
Tại Hà Đông, đây là cơn mưa lịch sử kể từ năm 1964. Tổng lượng mưa đo được tính đến 16h ngày 31/10 tại một số khu vực cụ thể như sau: Láng 339,6mm, Vân Hồ 220mm, Đồng Bông 515mm Hà Đông 492,6mm.
Mực nước tại các sông mương, hồ đều đang dâng cao hơn so với thường ngày từ 1,5-2m. Riêng hồ Thành Công và hồ Ngọc Khánh nước đã tràn lên gây ngập nghiêm trọng tại khu vực Thành Công và đường Nguyễn Chí Thanh.
Do lượng mưa “lịch sử” nên gây ra số điểm úng ngập thuộc vào hàng nhiều nhất trong 5 năm trở lại đây và trải đều hầu khắp các quận: Nguyễn Trãi, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Tuân, Chùa Hà… qua các phố trung tâm như Hàng Chuối, Tông Đản, Vạn Bảo.
Nhiều khu vực, do nước lên quá cao nên Sở Xây dựng đã yêu cầu cắt điện như trạm bơm Đồng Bông (Từ Liêm) chiều nay nước đã dâng lên cao 5,7m.
Ông Nguyễn Lê, Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, 1000 công nhân của cty đã được huy động khơi thông dòng chảy, mở hố ga và phối hợp với CSGt để hướng dẫn giao thông tại các điểm ngập “nóng” về giao thông như ngã 4 Thái Hà, La Thành…
Trạm bơm Yên Sở cũng đã hoạt động hết công suất với 11 tổ máy, công ty cũng kết hợp với Cty khai thác thủy nông Sông Nhuệ mở hết các cửa đập ra sông Đáy tất cả cửa hồ điều hòa để dẫn nước “cứu nguy” cho các tuyến đường nội đô.
Tuy nhiên, ông Lê cũng thừa nhận, do từ 16h đến tối nay mưa lại tiếp tục to nên tại các điểm ngập nước rút chậm, chiều tối giao thông lại phức tạp khiến quá trình thoát nước diễn ra khó khăn hơn.
Hàng loạt chuyến bay bị hõan vì thời tiết Hà Nội xấu
Chiều 31/10, quyền Chánh Văn phòng Cảng vụ hàng không miền Bắc Nguyễn Nam Sơn cho biết: Mưa lớn, mây mù nên từ 9 giờ 55 đến 11 giờ 50 sáng đã khiến 10 chuyến bay không thể hạ cánh xuống sân bay Nội Bài; cả nghìn khách phải xuống các sân bay dự bị để chờ thời tiết ổn mới quay lại được sân bay Nội Bài.