Hài cốt 9.000 năm tuổi hé lộ sự sụp đổ của thành phố cổ

742 bộ hài cốt ở Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy con người thời cổ đại cũng phải chịu áp lực của cuộc sống đô thị đông đúc và bệnh tật.


Bộ hài cốt 9.000 năm tuổi được khai quật ở Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Live Science).

Các nhà khảo cổ gần đây đã phát hiện việc chuyển đổi từ tự tìm kiếm thức ăn sang lối sống nông nghiệp cộng đồng đặt ra nhiều thách thức cho người dân ở Çatalhöyük từ 9.000 năm trước. Đây là một vùng thuộc miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ rộng 32 mẫu nhưng lại có tới 8.000 người sinh sống. Dân cư đông đúc và những yếu tố khác đã khiến môi trường sinh sống ở đây trở nên khắc nghiệt, con người cảm thấy stress, căng thẳng và tìm đến bạo lực. Người dân phải trèo vào nhà mình bằng thang. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Science.

Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy 25% trong số 95 bộ xương có vết nứt toác ở hộp sọ. Có thể họ đã bị giết vì một cú đập rất mạnh từ những viên đất sét to. Trong số 742 bộ hài cốt, 33%  có dấu hiệu nhiễm trùng do vi khuẩn. 13% răng phụ nữ và 10% răng nam giới bị hư hỏng. Họ đã ăn quá nhiều ngũ cốc so với các nhóm thực phẩm khác. Điều kiện vệ sinh cực kỳ kém, các bức tường và sàn nhà có dư lượng phân người và động vật.


Nhà nghiên cứu Nada Elias khai quật một bộ xương người trưởng thành tại Çatalhöyük. (Ảnh: Scott Haddow).

"Cuộc sống chật chội, đông đúc, nhà cửa quá sát nhau khiến dịch bệnh lây lan. Đây cũng là yếu tố lớn biến Çatalhöyük dần trở thành một thành phố chết", giáo sư nhân chủng học Clark Spencer Larsen, Đại học Bang Ohio nói và cho rằng "Çatalhöyük là một trong những cộng đồng đô thị đầu tiên trên thế giới và cư dân đã trải qua những gì xảy ra như khi bạn đưa nhiều người đến một khu vực nhỏ trong thời gian dài. Điều này tạo tiền đề cho những điều chúng ta đối mặt hiện nay và những thách thức loài người luôn gặp phải trong đời sống đô thị".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất