Hài cốt phát phóng xạ
Tia phóng xạ vẫn đang thoát ra từ tế bào của những người chết vì bom nguyên tử tại thành phố Nagasaki, sau 64 năm kể từ khi thảm họa xảy ra. Một nhóm chuyên gia Nhật Bản đã chụp được hình ảnh của các tia này.
"Trên phương diện bệnh lý, chúng tôi đã chứng minh rằng con người có thể bị phơi nhiễm phóng xạ từ bên trong. Phát hiện này có thể giúp các nhà khoa học tìm ra những tác động của phóng xạ đối với sức khỏe", Kazuko Shichijo, một giáo sư của Đại học Nagasaki (Nhật Bản), phát biểu.
Bà Shichijo và cộng sự nghiên cứu các mẫu tế bào lấy từ hài cốt của 7 người chết trong vụ ném bom nguyên tử xuống Nagasaki vào năm 1945. Những nạn nhân này - tuổi từ 20 tới 70 - cách tâm của vụ nổ từ 0,5 tới 1 km. Họ không mất mạng ngay trong ngày quả bom được ném xuống, mà tử vong sau đó vì những căn bệnh cấp tính.
Trong các bức ảnh, nhóm nghiên cứu nhìn thấy những đường thẳng có màu tối phát ra từ nhân tế bào trong xương, thận và phổi nạn nhân. Những đường thẳng ấy chính là tia alpha - loại bức xạ được tạo ra khi các chất phóng xạ phân rã. Các tia alpha trong ảnh có độ dài tương đương với những tia alpha thoát ra từ plutonium trong quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nagasaki.
Những bức ảnh của Đại học Nagasaki là bằng chứng đầu tiên cho thấy, hài cốt nạn nhân chết vì bom nguyên tử vẫn phát ra bức xạ sau hơn 60 năm kể từ khi thảm họa xảy ra.
Kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc, nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu những tác động của việc phơi nhiễm phóng xạ từ bên trong cơ thể, song họ chẳng thu được kết quả nào đáng kể. Thành công của Đại học Nagasaki chứng tỏ rằng nạn nhân bom nguyên tử phơi nhiễm với phóng xạ từ cả bên trong và bên ngoài cơ thể.
"Plutonium xuyên qua cơ thể khi con người phơi nhiễm với nó từ bên ngoài. Nhưng nghiên cứu của Đại học Nagasaki cho thấy nó có thể xâm nhập vào tế bào và phát ra bức xạ từ bên trong cơ thể", Nanao Kamada, một chuyên gia về sinh học bức xạ của Đại học Hiroshima, nhận xét.