Hai mặt trăng của sao Thiên Vương có thể đâm vào nhau

Các nhà khoa học dự đoán hai mặt trăng của sao Thiên Vương sẽ va chạm với nhau trong khoảng 1 triệu năm tới.

Robert Chancia tại Đại học Idaho, Mỹ, và các đồng nghiệp dự đoán rằng hai mặt trăng của sao Thiên Vương là Cressida và Desdemona sẽ va chạm với nhau trong tương lai. Nguyên nhân là do mặt trăng Cressida tạo ra lực hút quá lớn lên vành đai của sao Thiên Vương, theo International Business Times. Kết quả nghiên cứu được công bố trên thư viện trực tuyến của Đại học Cornell, Mỹ, hôm 24/8.


Hai mặt trăng Cressida và Desdemona của sao Thiên Vương có thể sẽ va chạm với nhau trong 1 triệu năm tới. (Ảnh: NASA).

Các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu khối lượng và quỹ đạo của Cressida. Kết quả cho thấy Cressida có khối lượng bằng khoảng 1/300.000 Mặt Trăng. Nó đang trên đường va chạm với Desdemona, hiện di chuyển theo quỹ đạo chỉ cách Cressida 900km. Lực hấp dẫn của Cressida dần kéo chúng lại gần nhau hơn và khiến chúng va chạm với nhau trong 1 triệu năm tới.

Mặt trăng Cressida có độ rộng khoảng 82km, trong khi Desdemona thậm chí còn nhỏ hơn. Hai mặt trăng được phát hiện vào năm 1986, khi tàu vũ trụ Voyager 2 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tiếp cận sao Thiên Vương. Hiện nay, các nhà thiên văn phát hiện có tất cả 27 mặt trăng bay theo quỹ đạo xung quanh hành tinh này, đa số chúng đều chứa băng đá và nước.

Nhóm nghiên cứu cho biết Cressida và Desdemona không phải là những mặt trăng duy nhất sẽ đâm sầm vào nhau. Hai mặt trăng khác của sao Thiên Vương là Cupid và Belinda cũng sẽ xảy ra một vụ va chạm lớn trong khoảng 1.000 đến 10 triệu năm tới.

Các nhà khoa học tin rằng, vụ va chạm giữa các mặt trăng của sao Thiên Vương đã xảy ra trước đây. Vô số mảnh vỡ bay theo quỹ đạo xung quanh hành tinh tạo thành một vành đai mờ là sản phẩm của những vụ va chạm này.

Sao Thiên Vương, hành tinh thứ 7 tính từ Mặt Trời, do nhà thiên văn học William Herschel khám phá. Sao Thiên Vương được đặt tên theo vị thần bầu trời của người Hy Lạp cổ Uranus. Đây là hành tinh duy nhất lấy tên theo một vị thần trong thần thoại Hy Lạp thay vì trong thần thoại La Mã.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất