Hại người vì dùng cam thảo dài ngày
Cam thảo là vị thuốc phổ biến trong đông y lẫn tây y và cả trong công nghiệp thực phẩm, với khá nhiều đồ ăn, thức uống có thành phần cam thảo. Tuy nhiên, nếu chúng ta sử dụng không đúng cách, không đúng liều lượng thì cam thảo có thể gây ra một số phản ứng phụ, nguy hiểm cho sức khoẻ.
Cam thảo.
Công dụng của cam thảo
Cam thảo vị ngọt, tính bình. Có tác dụng ích khí, giải độc, bổ tỳ dưỡng vị, nhuận phế, hoá đàm. Trong đông y, ngoài tác dụng ích khí, cam thảo thường dùng để giảm độc tính một số vị thuốc hoặc điều hoà quá trình hấp thu các vị thuốc, nhất là các vị thuốc có độc tính, lạnh quá hoặc nóng quá.
Làm giảm các triệu chứng cảm lạnh và các bệnh về đường hô hấp
Cam thảo là một phương thuốc thảo dược đối với một số bệnh thông thường như: cảm lạnh, viêm họng và viêm phế quản. Cam thảo là một loại thuốc long đờm, nó giúp long đờm và làm loãng dịch nhầy trong đường hô hấp và do đó dễ dàng tống xuất chúng ra ngoài. Nó cũng có những hiệu quả tương tự trong điều trị các bệnh dị ứng, hen phế quản và viêm mũi dị ứng. Chiết xuất cam thảo cũng có thể được sử dụng để hạ sốt và làm giảm đau đầu.
Làm lành các vết loét dạ dày
Đối với viêm loét dạ dày, cam thảo có khả năng ức chế tiết axit dịch vị và histamin, giúp vết loét chóng lành.
Các chuyên gia sức khỏe tin rằng cam thảo có thể bảo vệ niêm mạc dạ dày bằng cách thúc đẩy quá trình hoạt động của các tế bào tăng tiết dịch nhầy dạ dày. Nó có thể giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi axit dạ dày và từ đó đẩy nhanh quá trình làm lành các vết loét. Các chất flavonoid được tìm thấy trong chiết xuất cam thảo có thể giúp ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn Hellicobacter pylori - một loại vi khuẩn gây loét dạ dày ở đa số các bệnh nhân.
Bột cam thảo được dùng nhiều trong thực phẩm
Ngăn ngừa nhiễm virus
Cam thảo giúp tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách kích hoạt các interferon trong cơ thể - Interferon là loại protein do tế bào cơ thể sinh ra khi bị virus tấn công nhằm ngăn không cho virus phát triển. Vì vậy, cam thảo có thể tăng cường hệ thống miễn dịch và tăng khả năng phòng ngừa các bệnh do virut đặc biệt là herpes môi và herpes sinh dục do virus herpes simplex gây ra. Ở châu Âu, cam thảo được sử dụng rộng rãi để điều trị viêm gan siêu vi chủ yếu là viêm gan B và C.
Làm giảm các triệu chứng thời kỳ mãn kinh
Cam thảo chứa flavonoid và estrogen hoặc kích thích tố nữ. Các kích thích tố nữ được tìm thấy trong cam thảo có tác dụng làm giảm các triệu chứng khó chịu liên quan tới thời kỳ mãn kinh và tiền mãn kinh. Cam thảo cũng có thể làm giảm đau trước kỳ kinh nguyệt.
Bảo vệ tim
Cam thảo có khả năng giúp kiểm soát nồng độ cholesterol bằng việc tăng lưu lượng mật trong cơ thể. Acid mật được coi là nhân tố để loại bỏ cholesterol dư thừa ra khỏi cơ thể. Hơn nữa, cam thảo có thể ngăn chặn quá trình oxy hoá của cholesterol gây hại LDL- một nhân tố chính gây ra các bệnh tim mạch.
Cải thiện chức năng của tuyến thượng thận
Hợp chất acid glycyrhizic có trong rễ cây cam thảo có tác dụng tăng cường chức năng của tuyến thượng thận. Acid glycyrhizic làm chậm quá trình phân huỷ các hóc môn cortisol và do đó đảm bảo sự ổn định trong thời gian dài – Cortisol có đặc tính kháng viêm, sự thiếu hụt cortisol có thể dẫn tới trầm cảm, mệt mỏi mãn tính và lo lắng. Như vậy rễ cam thảo rất có lợi cho các bệnh nhân mắc chứng trầm cảm và căng thẳng thần kinh.
Làm mềm và dịu da
Cam thảo có tác dụng làm mềm và dịu da vì thế nó được sử dụng để điều trị một số bệnh về da. Loại thảo dược này cũng được biết đến là có đặc tính kháng viêm nên nó được dùng trong các trường hợp viêm da sau đây: chàm hoặc viêm da dị ứng, viêm da thông thường, bệnh vảy nến, ngứa và khô da.
Cam thảo thường được biết đến như một loại gia vị trong thực phẩm và đồ uống. (Ảnh minh họa)
Giải độc
Cam thảo có độ ngọt rất cao, ngọt hơn 50 lần so với mía. Do đó, thảo dược này cũng được sử dụng nhiều trong công nghệ làm bánh kẹo. Trong dân gian, nhiều người sử dụng cam thảo phối hợp với vài thảo dược khác như nụ vối, thảo quyết minh, hoa hoè… thay trà uống hàng ngày, giúp giải khát, thanh nhiệt hoặc ích khí, giải độc.
Một số tác dụng phụ của cam thảo
Gần đây, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra hoạt chất glycyrrhizic axit trong cam thảo có thể gây ra một số tác dụng phụ.
Đáng quan tâm nhất là các triệu chứng tăng bài tiết kali, giữ nước, tăng huyết áp. Nhiều thí nghiệm cho biết dùng dài hạn (trên hai tuần) sản phẩm có chứa glycyrrhizic axit với liều khoảng 500mg mỗi ngày (tương đương khoảng 10g cam thảo) có thể gây ra những phản ứng trên. Cũng có tài liệu cho biết dùng đến 50g cam thảo/ngày trong hai tuần mới dẫn đến huyết áp cao đáng kể. Một quan điểm khác thì cho rằng phần lớn các trường hợp giữ nước, tăng huyết áp rơi vào những người ăn quá nhiều kẹo chứa cam thảo.
Tiếp tục nghiên cứu, các nhà khoa học ghi nhận hoạt chất glycyrrhizic axit trong cam thảo còn làm giảm lượng testosteron ở nam giới, bằng cách ức chế loại enzyme giúp tổng hợp nội tiết tố này. Gây chú ý nhất là một nghiên cứu ở Ý cho biết liều dùng 500mg glycyrrhizic axit/ngày sẽ giảm đáng kể lượng testosteron ở nam giới khoẻ mạnh. Từ đây, các nhà khoa học khuyến cáo không nên dùng cam thảo cho đàn ông bị thiểu năng sinh dục.
Tuy nhiên, một nghiên cứu lặp lại hai lần của một nhóm các nhà khoa học khác thì lại thấy độ giảm gây ra không đáng kể! Sau đó, một cuộc thử nghiệm độc lập do các nhà khoa học Iran tiến hành trên 20 đàn ông khoẻ mạnh. Những người tham gia dùng mỗi ngày 1,3g chất chiết xuất từ cam thảo phơi khô (tương đương từ 400mg đến 500mg glycyrrhizic axit hoặc khoảng 10g cam thảo) trong mười ngày liên tiếp. Kết quả, mẫu máu lấy trước khi thử nghiệm và 20 ngày sau đó đã cho thấy dùng cam thảo làm giảm khoảng 35% lượng testosteron.
Những ai không nên dùng cam thảo?
Cam thảo kết hợp với nhân trần có thể gây ra ít sữa hoặc mất sữa ở phụ nữ có thai, ngoài ra, do nhân trần có tính lợi tiểu nên sẽ thải nhiều, các chất dinh dưỡng và lượng nước bị thải thường xuyên sẽ mất chất dinh dưỡng để nuôi thau, khiến thai bị suy dinh dưỡng, dễ bị đẻ non và dị tật thai nhi.
Đối với nam giới, nếu dùng cam thảo với liều lương trên 8g/ ngày trong thời gian kéo dài sẽ gây bất lực, giảm miễn dịch, tăng huyết áp và viêm loét dạ dày.
Các trường hợp như viêm thận, người bị tăng huyết áp, huyết áp không ổn định cũng không nên dùng cam thảo. Những người bị táo bón lâu ngày, người cao tuổi, người viêm phế quản, ho nhiều, khó thở cũng tốt nhất không nên sử dụng cam thảo.
Các trường hợp khác, mỗi ngày chỉ nên dùng một gói trà có cam thảo, không nên dùng những loại trà chưa cam thảo như trà bát bảo, nhân trần thay nước lọc.
Dùng thế nào cho an toàn?
Theo khuyến cáo của Uỷ ban châu âu (bộ phận chuyên trách các vấn đề pháp lý của Cộng đồng châu âu), mỗi người không nên dùng quá 100mg glycyrrhizic axit mỗi ngày. Còn theo các nhà khoa học Nhật Bản, con số này là 200mg. Nếu tính trên cơ sở 500mg glycyrrhizic axit cho mỗi 10g cam thảo, liều lượng trên chỉ tương ứng với khoảng 2g hoặc 4g cam thảo mỗi ngày.
Trên thực tế, ngoại trừ một số ít trường hợp dùng liều cao ngắn hạn, cho một số bệnh cấp tính, liều cam thảo trung bình trong nhiều phương dược đông y thường từ 4g đến 6g. Đối với một số trà dược có cam thảo, mỗi gói cũng chỉ chứa từ 1g đến 2g. Trong một thang thuốc, cam thảo lại được cơ cấu trong mối tương quan “quân thần tá sứ” để vừa nâng cao hiệu quả điều trị chung, vừa giảm tác dụng phụ của các vị thuốc. Với cách làm này, tác dụng phụ của cam thảo sẽ giảm thiểu.
Tuy nhiên, trước những cảnh báo nêu trên, nhất là trong tình trạng các loại bệnh tim mạch và cao huyết áp đang gia tăng trong cộng đồng, thầy thuốc và người sử dụng nên lưu ý không dùng cam thảo dài hạn. Trong khi chờ đợi những nghiên cứu sâu hơn, trước mắt, nếu dùng trên 4g/ngày, chỉ nên dùng từng liệu trình ngắn từ 5 – 7 ngày, nghỉ vài ngày trước khi dùng tiếp.
Các loại thuốc không nên kết hợp với cam thảo là:
- Corticosteroid (Loại hormone steroid do vỏ thượng thận tổng hợp.)
- Thuốc cao huyết áp
- Một số thuốc chống trầm cảm
- Thuốc tránh thai bằng đường uống
- Warfarin (Loạt thuốc kháng đông chủ yếu tổng trị huyết khối u mạch vành hay tĩnh mạch để giảm cơ nghẽn mạch)
- Thuốc lợi tiểu