Hai nhà khoa học trẻ chế tạo thành công máy tính nhỏ nhất thế giới

Phóng viên tại Pretoria dẫn thông báo ngày 24/7 của Hội đồng nghiên cứu khoa học và công nghiệp (CSIR) Nam Phi cho biết thành công của 2 nhà khoa học đổi mới sáng tạo trẻ này có thể tạo ra bước đột phá đối với sự phát triển của ngành máy tính hiện đại. 

Nhằm tăng cường tính linh động và khả năng sử dụng của các thiết bị máy tính ở những khu vực gặp hạn chế về kết nối mạng và nguồn điện cung cấp, bị hạn chế, 2 nhà khoa học Luyanda Vappie và Motsholane Sebola đã thành công trong chế tạo loại máy tính cá nhân không cần bàn phím, chuột và màn hình vật lý này. Loại thiết bị này rất cần thiết để số hóa và cải thiện khả năng tiếp cận các thiết bị công nghệ ở khu vực nông thôn.


Hai nhà khoa học và chiếc máy tính nhỏ nhất thế giới.

Với tên gọi Prism (hình lăng trụ), đây là máy tính cá nhân nhỏ gọn, công suất xử lý khoảng 2Ghz, có bluetooth, wi-fi, mạng LAN, pin có thể sử dụng trong khoảng 2 giờ, dung lượng bộ nhớ trong 64 GB và có thể mở rộng bằng thẻ SD có dung lượng thành 200+ GB.

Theo nhà nghiên cứu Luyanda Vappie, Prism sẽ thay đổi cách nghĩ của mọi người về máy tính. Đây là thiết bị cầm tay và có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi. Nhóm nghiên cứu kỳ vọng thiết bị nhỏ gọn này sẽ được trang bị tới các trường học ở những khu vực hạn chế về kết nối mạng nhằm đảm bảo chương trình giảng dạy sẽ luôn đầy đủ ngay cả khi không có kết nối mạng. Hai nhà khoa học này cũng đã xây dựng các mô hình để triển khai phát minh mới trong thực tế, nhất là hỗ trợ trang bị thiết bị mới này tại các trường học, gồm bộ công cụ, đào tạo nâng cao kỹ năng và sử dụng các nguồn lực địa phương.

Theo nhóm nghiên cứu, phát minh này sẽ đóng góp thiết thực vào việc hiện thực hóa Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc về giáo dục chất lượng.

Nhà nghiên cứu Motsholane Sebola đánh giá Prism phản ánh tương lai của ngành điện toán và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (I4R) mang đến cơ hội đổi mới sáng tạo cho những nhà khoa học trẻ. Prism là một giải pháp tổng hợp với tính tương tác cao và có thể sử dụng trong cả môi trường thành thị và nông thôn.

Từng tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin, Vappie và Sebola có đam mê lớn đối với công nghệ phần mềm, phát triển hệ thống và phân tích kinh doanh. Nhà khoa học Luyanda Vappie cho biết: “Chúng tôi luôn mơ ước có thể mang lại những điều tốt hơn cho đất nước, nhất là với các cộng đồng dân cư nông thôn. Đối với các khu vực nguồn cung điện năng hạn chế, các công nghệ cần cải tiến để vẫn có thể sử dụng và tiếp cận được”.

Luyanda Vappie và Motsholane Sebola là đồng sáng lập Công ty Root Tech, trụ sở tại Johannesburg, Nam Phi, chuyên sản xuất thiết bị nguồn (OEM) về điện tử cho châu Phi.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất