Hai thiên thạch bay sát trái đất hôm nay

Hai thiên thạch di chuyển gần địa cầu hôm nay và chúng có thể được nhìn thấy qua một kính thiên văn thông thường.

Các kính thiên văn tại bang Arizona của Mỹ phát hiện 2012 QG42 2012 QC8, tên của hai thiên thạch vào ngày 26/8. Chúng đang di chuyển về phía trái đất, mặt trăng và sẽ tới vị trí gần nhất so với địa cầu trong ngày 14/9, National Geographic đưa tin.

2012 QC8 có chiều rộng khoảng 1.000m. Khoảng cách ngắn nhất giữa nó và trái đất là 8,7 triệu km, tương đương 23 lần khoảng cách giữa mặt trăng với địa cầu. Với chiều rộng từ 190 tới 430m, 2012 QG42 là thiên thạch nhỏ hơn, song lại tới gần hành tinh hơn. Vào lúc 13h10 (Hà Nội), viên đá trời này sẽ bay cách chúng ta chừng 2,8 triệu km, tương đương 7,5 lần khoảng cách giữa mặt trăng và trái đất.


Hình minh họa hai thiên thạch trong hệ Mặt Trời.

Mọi tính toán cho thấy 2012 QG42 không gây nguy hiểm cho trái đất, song đây là lần mà nó tới gần địa cầu nhất trong vài trăm năm qua.

"Vì thế 2012 QG42 có thể trở thành mối họa cho hành tinh xanh trong tương lai", Don Yeomans, người quản lý Chương trình Các vật thể gần trái đất của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ, phát biểu.

Yeomans cho biết, các thiết bị của con người mới chỉ phát hiện 1.700 vật thể có kích thước tương đương hoặc lớn hơn 2012 QG42. Cứ sau 40.000 năm, một vật thể trong nhóm đó sẽ lao trúng trái đất với sức công phá tương đương ít nhất 140 triệu tấn thuốc nổ TNT.

"Hậu quả của vụ nổ là sự ra đời của một hố có đường kính tối thiểu 3km", Yeomans bình luận.

Vài giờ trước khi 2012 QG42 bay tới vị trí gần quả đất nhất và đạt độ sáng cao nhất, người dân có thể quan sát nó bằng kính thiên văn có đường kính 30cm trở lên.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất