Hàng triệu cá mòi tự mắc cạn trước động đất
Đàn cá mòi khổng lồ tự mắc cạn trên hòn đảo ở Philippines khoảng 48 giờ trước khi trận động đất mạnh làm rung chuyển đáy biển ở gần đó.
(Video: Mark Achieval Ventic Tagum)
Vô số cá mòi, nhiều khả năng lên tới hàng triệu con, gần đây tự mắc cạn trên hòn đảo ở Philippines, biến vùng ven biển thành tấm thảm màu bạc khi xác cá chết phủ kín bờ cát. Khoảng 48 giờ sau, khu vực trải qua trận động đất mạnh, dấy lên suy đoán đàn cá có thể cảm nhận thảm họa tự nhiên đang tới gần và chạy trốn tới vùng nước nông. Tuy nhiên, các chuyên gia địa phương cho biết hai sự kiện không liên quan và có nhiều yếu tố khác dẫn tới vụ mắc cạn tập thể khác thường này, theo Live Science.
Những con cá mất phương hướng bắt đầu bơi vào bờ sáng sớm ngày 7/1 ở vùng ven biển của khu Maasim thuộc tỉnh Sarangani tại mũi phía nam đảo Mindanao. Hình ảnh do cư dân ghi lại suốt đêm cho thấy đàn cá mòi lấp lánh trải khắp bãi biển và vùng vẫy giữa sóng vỗ khi bị cuốn vào bờ.
Khi Mặt trời bắt đầu mọc, người dân địa phương tụ tập để thu thập xác cá. Trên một bãi biển, hơn 100 người tham gia, mỗi người xúc được 20 - 30kg cá mòi, một gia đình thậm chí gom tới nửa tấn cá. Nếu được bảo quản đúng cách, phần lớn cá chết có thể ăn hoặc rao bán. Một số cư dân cho rằng hiện tượng khác thường trên là "món quà từ thần linh", dấu hiệu năm mới sẽ thịnh vượng. Nhưng nhiều người khác cảnh báo vụ mắc cạn hàng loạt là điềm xấu báo trước thảm họa tự nhiên.
Vào khoảng 5 giờ sáng ngày 9/1 theo giờ địa phương, một trận động đất 6,7 độ xuất hiện trên biển Celebes, theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ. Tâm chấn ở ngoài khơi cách Maasim khoảng 100km, châm ngòi cho suy đoán trên mạng xã hội về việc đàn cá cảm nhận được động đất sắp diễn ra. Tuy nhiên, có ít khả năng hai hiện tượng tự nhiên liên quan tới nhau, theo Cirilo Aquadera Lagnason Jr, nhà nghiên cứu ở Cơ quan quản lý khu vực được bảo vệ (PAMO) của vịnh Sarangani, người đầu tiên chứng kiến cá mòi mắc cạn.
Người dân địa phương thu gom cá mòi mắc cạn.
Nghiên cứu trước đây không tìm thấy bằng chứng đầy đủ về khả năng dự đoán động đất của động vật, dù trong vài trường hợp, động vật phản ứng với chấn động nhẹ xảy ra trước rung lắc mạnh. Trong trường hợp này, Lagnason Jr tin rằng nguyên nhân chắc chắn nhất là một hiện tượng hải dương học gọi là nước trồi, trong đó dưỡng chất từ biển sâu dâng lên vùng nước nông ven biển, thúc đẩy sinh vật phù du phát triển mạnh. Cá mòi chuyên ăn sinh vật phù du theo nguồn thức ăn bơi vào vùng nước nông và mắc kẹt. Tình huống tương tự từng xảy ra ở vài địa điểm trên khắp Philippines. Đa số cá mòi có thể thuộc một trong số 6 loài ở chi Cá trích và chưa trưởng thành. Điều này có thể góp phần khiến cả đàn mất phương hướng.
Zenaida A. Dangkalan, cán bộ ngư nghiệp ở Sarangani, cho biết một loạt yếu tố khác có thể dẫn tới sự việc, bao gồm số lượng cá mòi quá dồi dào, thay đổi trong nhiệt độ hoặc độ mặn của đại dương, sự phân bố động vật ăn thịt và ô nhiễm ánh sáng từ khu dân cư. Động đất xảy ra không lâu sau vụ mắc cạn nhiều khả năng là sự trùng hợp. Động đất như vậy diễn ra mọi lúc ở Vành đai lửa, khu vực có hoạt động địa chấn cao trải dài quanh Thái Bình Dương, bao gồm Philippines.
- Cá đuối chết bí ẩn hàng loạt trên bãi biển Mexico
- Ảnh cá mòi, chuồn chuồn "đoạt giải" Ảnh thiên nhiên hoang dã
- Xác định nơi sự sống có thể hoài thai trước khi có Trái đất?