Hành trình công, tội của chất phóng xạ

Kể từ ngày được nhà bác học Henri Becquerel tìm ra vào năm 1896, tính đến nay, phát minh về chất phóng xạ đã có gần 120 tuổi. Trong hành trình hơn 100 năm lịch sử đó, chất liệu này đã trải qua những biến đổi thăng trầm, có khi là cứu cánh của phái đẹp và ngày nay đang trở thành nguy cơ âm thầm của một tai họa tự nhiên mà các nhà khoa học mới vừa khám phá.

Phóng xạ - Từ công dụng y học đến kỹ nghệ kiếm tiền


Một vụ nổ khí hạt nhân.

Năm 1902, những kết quả nghiên cứu đầu tiên về công dụng y học của chất phóng xạ được công bố rộng rãi trên thế giới. Người ta sử dụng năng lượng của các tia bức xạ để phá hủy các tế bào không lành mạnh và điều trị một số bệnh về da. Từ đó, liệu pháp tia X ra đời và tồn tại đến ngày nay. Vào thập niên 1920, tại Viện nghiên cứu chất radium, nhiều chuyên gia về phóng xạ đã hợp tác với các bác sĩ điều trị bệnh ung thư bằng cách đốt các tế bào phát triển vô tổ chức. Trong ý nghĩ của công chúng lúc bấy giờ, radium là vạn năng. Nhân tâm lý này, một số người đã không bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền bằng cách loan truyền rằng, radium phát tán ra những tia sáng xuất phát từ quyền năng của một loại suối nguồn tươi trẻ huyền bí. Có người còn đẩy ý tưởng đi xa hơn, cho rằng, chất kim loại trắng đó là hòn đá biến chì thành… vàng của những nhà giả kim và ma thuật. Từ đó, người ta thấy xuất hiện tên radium trên đủ loại bao bì hàng hóa, từ nước hoa, kem chống nhăn, cho đến thức ăn gia súc.

Đáng chú ý là một sản phẩm kem bôi da dành cho phụ nữ có tên là Tho-Radia, được giới thiệu là phát minh của bác sĩ Alfred Curie. Loại kem này ngay khi có mặt trên thị trường đã được các quý bà đua nhau sử dụng vì nó được quảng cáo là mang lại vẻ đẹp hồi xuân cho những làn da nhăn nheo, lão hóa nhờ có thành phần là chất phóng xạ. Rất may mắn cho các quý bà thời đó là đa số mỹ phẩm quảng cáo có chất radium chỉ là … hàng giả hiệu, vì chất liệu này rất khó sản xuất và rất đắt, nếu không, những chiếc mặt nạ làm đẹp đã làm cháy nám bao nhiêu gương mặt kiều diễm của quý bà.

“Cuộc cách mạng quân sự” và những “con bọ người”

Vào những năm 1930, hai nhà khoa học Frederic và Irene Joliot Curie làm ra chất phóng xạ nhân tạo. Từ đó, các nhà khoa học không phải lệ thuộc vào chất phóng xạ tự nhiên, quý hiếm và vô cùng đắt đỏ nữa. Năm 1945, cụ thể hơn là ngày 6/8/1945, quả bom hạt nhân đầu tiên trong lịch sử loài người bùng nổ trên đảo Hiroshima - Nhật Bản đã cho thấy mặt trái của chất phóng xạ trong tay nhà quân sự. Vậy mà báo chí phương Tây gọi hành động trên là một cuộc “cách mạng quân sự”, có thể so sánh với sự “khám phá ra lửa của tổ tiên chúng ta thời tiền sử”. Nếu “nhân bản” những vũ khí loại này, con người có thể làm sụp đổ trái đất.


Phòng thí nghiệm hạt nhân

Các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng, bom hạt nhân giết hại dần các sinh vật bằng phóng thích những tia phóng xạ có thể gây ra bệnh ung thư và bệnh bạch cầu. Thập niên 1950, các hộp kem dưỡng da có chứa radium vắng bóng trên các kệ hàng, nhưng bù lại, các nhà sản xuất phim ảnh lại gắn cho chất phóng xạ những tác dụng phi thường khác, đó là khả năng tạo ra những quái vật khổng lồ như con thằn lằn kinh khiếp Godzilla. Nhưng đáng sợ hơn cả là phát hiện của nữ phóng viên Eileen Welsome, đăng rên tờ báo nhỏ Albuquerque Tribune về một trong những bí mật lớn nhất trong thời kỳ chiến tranh lạnh, đó là việc chính phủ Mỹ sử dụng hàng ngàn người làm vật thí nghiệm cho chất bức xạ hạt nhân. Họ được gọi là những “con bọ người”. Trong số này có 18 người Mỹ đã bị tiêm thẳng chất plutonium vào mạch máu, 73 trẻ em tàn tật tại một trường học ở Massachusetts được nuôi bằng cháo yến mạch có pha chất đồng vị phóng xạ. Còn tại một bệnh viện ở Tennessee, 829 phụ nữ có thai được cho sử dụng một thứ “cocktail vitamin” chứa chất sắt có phóng xạ. Đó là chưa kể đến những cuộc thử nghiệm bức xạ hạt nhân trên con người được giấu kín từ thời chương trình hạt nhân còn đang được triển khai trước và sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945).

Chất phóng xạ với môi sinh và thực phẩm

Từ những thập niên 1950 - 1960, việc thải chất plutonium ra môi trường đã trở thành một vấn đề đáng báo động. Vùng Sellafield (vương quốc Anh) là nơi sản xuất ra plutonium cho việc chế tạo các đầu đạn hạt nhân. Hậu quả là chất phóng xạ gia tăng trong môi trường sống, tác hại đến sức khỏe và tính mạng của con người. Tại một ngôi làng nhỏ ở Seascale, cách Sellafield 2km về phía Nam, số trẻ em bị bệnh bạch cầu tăng gấp 7 lần so với những nơi khác. Tình trạng tương tự xảy ra tại nhiều nơi trên đất nước Ireland, buộc Chính phủ nước này phải lên tiếng cáo buộc chính quyền vương quốc Anh đã làm ô nhiễm phóng xạ trên vùng duyên hải của họ. Chính phủ Anh cho biết, họ đã chi ra 2 tỷ bảng Anh trong 15 năm để xử lý chất thải hạt nhân. Theo những số liệu được công bố gần đây, tại vùng biển Ireland, mật độ chất phóng xạ quanh nhà máy Sellafield vẫn còn ở mức cao.

Hiện tượng nhiễm xạ cao của môi trường dẫn đến tình trạng nhiều loại thực phẩm do con người sử dụng hàng ngày cũng bị nhiễm xạ.

Thời gian gần đây, một phát hiện khoa học mới đã mang đến cho mọi người nỗi ngạc nhiên cùng sự lo lắng. Đó là phân của các loài chim biển đã tăng cường chất đồng vị phóng xạ vào thực phẩm chúng ta sử dụng hàng ngày. Nhận định này được giới khoa học đưa ra sau khi tìm thấy hàm lượng cao chất phóng xạ trong phân chim và cây cối mọc trên một hòn đảo gần Bắc cực. Họ giải thích là các chất phóng xạ tích tụ trong đại dương qua những biến chuyển địa chất dưới đáy biển, thêm vào đó là các chất đồng vị phóng xạ do con người thải ra trong việc xử lý các cơ sở hạt nhân trên đất liền, trong đó, có chất phóng xạ từ thảm họa Chernobyl ở Ukraina vào năm 1986, đã khiến nước biển và các sinh vật biển bị nhiễm xạ và cuối cùng thì thông qua các loài chim biển, chất phóng xạ đó nhiễm vào thực phẩm, rau củ quả trên đất liền.

Mặc dù ngày nay, chất phóng xạ vẫn đang được sử dụng nhưng hình ảnh của radium đã thay đổi nhanh chóng dưới con mắt của đại chúng. Người ta đã cảnh giác hơn rất nhiều với các chất phóng xạ trong tự nhiên cũng như nhân tạo. Còn các nhà khoa học thì vẫn miệt mài không ngừng nghỉ trong việc nghiên cứu các chất phóng xạ để tìm ra cách khai thác tối đa mặt có lợi và hạn chế mặt có hại của chúng.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất