Hầu hết chúng ta hiểu sai về mối liên hệ giữa IQ và độ tuổi
Nhiều người trong chúng ta hẳn đều có suy nghĩ khi cơ thể già đi, trí tuệ cũng sẽ bớt minh mẫn hơn; nhưng có thật như vậy không? Đó có phải là một thứ có thể đo đạc được? Liệu chỉ số thông minh (IQ) của chúng ta có giảm theo độ tuổi?
Nếu có, tốc độ giảm là bao nhiêu? Các loại chỉ số thông minh khác nhau có suy giảm ở những tốc độ khác nhau?
Nhằm giải quyết những câu hỏi này, trang Metafact đã tìm đến 5 chuyên gia về trí thông minh, khoa học hành vi, và tâm lý học. Dưới đây là những ý kiến họ đưa ra.
Trí thông minh thường được đo thông qua một loạt các bài kiểm tra.
1. IQ là gì và làm sao để đo được nó?
“Trí thông minh thường được đo thông qua một loạt các bài kiểm tra, một số về kỹ năng ngôn ngữ, một số về kỹ năng phi lời nói như giải đố chẳng hạn, một số về sự nhanh nhẹn của bạn trong việc hoàn thành một tác vụ nào đó” - theo Michael Thomas, chuyên gia tâm lý học và thần kinh học tại Đại học Birkbeck, Anh.
“Trí thông minh của bạn sẽ được chấm điểm bằng trung bình cộng của các điểm đạt được trong tất cả các tác vụ đó, so với mức độ hoàn thành của người khác”
Các bài kiểm tra IQ đánh giá nhiều khả năng khác nhau, như bạn lưu giữ và tiếp thu thông tin tốt đến đâu, khả năng lập luận trừu tượng, và khả năng xử lý hình ảnh không gian của bạn.
IQ là viết tắt của “Intelligence Quotien” (chỉ số thông minh), và là một điểm số được chuẩn hóa trong tương quan với những người khác cùng độ tuổi với bạn.
Nếu bạn có trí thông minh trung bình so với những người cùng độ tuổi, điểm IQ của bạn sẽ là 100. Nếu trên mức trung bình, điểm sẽ trên 100, và dưới trung bình là dưới 100.
2. IQ của một người có thay đổi theo độ tuổi?
IQ của một người không thay đổi theo độ tuổi.
Nói cách khác, nếu bạn làm một bài kiểm tra IQ ngay lúc này, và một bài khác trong 10 năm tới, điểm IQ của bạn nhiều khả năng sẽ rất giống nhau. Đó là bởi IQ luôn được đo trong tương quan với những người cùng độ tuổi với bạn.
“IQ luôn được tính toán dựa trên độ tuổi của một người, dù là 10, 15, 25, 50, 72, hay 88. Do đó những người 25 tuổi sẽ được so sánh với những người 25 tuổi khác xét về số câu trả lời đúng họ đưa ra trong bất kỳ tác vụ nào, giống như những người 50 tuổi sẽ được so sánh với những người 50 tuổi khác vậy” - theo Alan Kaufman, một chuyên gia về kiểm tra trí thông minh đến từ Đại học Yale, Mỹ.
“Đối với mỗi nhóm tuổi, IQ trung bình được đặt ở 100. Chúng ta không thể so sánh trực tiếp IQ trung bình giữa các nhóm tuổi trưởng thành bởi theo định nghĩa thì mọi nhóm tuổi đều trung bình ở 100”
Meiran Nachshon, một chuyên gia tâm lý học từ Đại học Ben-Gurion, Israel, đồng ý với điều này.
“IQ cho biết vị thế tương đối của một cá nhân trong tương quan với mức trung bình của nhóm tuổi. Vị thế tương đối này là rất ổn định”
Để dẫn chứng cho ý kiến của mình, Nachshon đưa ra một bài nghiên cứu đã được xuất bản mà bạn có thể xem qua tại đây, trong đó phát hiện ra mối tương quan khá vững chắc giữa IQ của những người ở độ tuổi 11 và 90.
3. IQ trung bình của một nhóm tuổi có thay đổi theo độ tuổi?
Để biết IQ thay đổi thế nào theo thời gian, chúng ta phải so sánh được IQ của những người cao tuổi với những người trẻ hơn tương xứng.
Đây là điều thường rất khó thực hiện, bởi những lý do đã đề cập ở trên. Do đó, cần có một phương thức khác.
Kaufman giải thích rằng:
“Điều đầu tiên phải làm là tìm ra một tiêu chuẩn chung để so sánh những người trưởng thành. Chúng ta có thể so sánh hiệu suất của những người 70 tuổi, 60 tuổi, 50 tuổi, 40 tuổi…với những nhóm hoặc tiêu chuẩn tham chiếu được tạo ra cho người trưởng thành trẻ tuổi”
“Trong nghiên cứu của tôi, chúng tôi định nghĩa người trưởng thành trẻ tuổi là khoảng 30 tuổi (thường từ 25 - 34). Như vậy, người trưởng thành trẻ tuổi sẽ có IQ trung bình là 100, bởi đó là cách xây dựng tiêu chuẩn. Khi chúng tôi so sánh những người trưởng thành thuộc tất cả các nhóm tuổi với những người trưởng thành trẻ tuổi, chúng tôi sẽ biết IQ thay đổi ra sao khi chúng ta già đi”
Kaufman nói rằng khi những bài kiểm tra đã hoàn tất, ông nhận thấy “có một sự suy giảm IQ rõ ràng quan sát được”.
4. Không phải mọi loại trí thông minh đều suy giảm với tốc độ như nhau
Các bài kiểm tra IQ đo được nhiều loại trí thông minh và gộp chúng vào các nhóm cùng nhau.
“IQ tổng thể là một sự tổng hợp của nhiều loại trí thông minh khác nhau, trong đó được nghiên cứu nhiều nhất là trí thông minh mềm và trí thông minh kết tinh, mà khi kết hợp cùng nhau - và cộng thêm những khả năng khác, gồm trí nhớ ngắn hạn và tốc độ xử lý - sẽ cho ra chỉ số năng lực nhận thức tổng thể (FSIQ)” - Kaufman nói.
“Trí thông minh mềm, hay năng lực lý luận logic và trừu tượng, thể hiện khả năng giải quyết được những vấn đề mới, những loại vấn đề mà bạn chưa được dạy ở trường học” - ông giải thích. “Trong khi trí thông minh kết tinh hay kiến thức kết tinh thể hiện khả năng học hỏi và giải quyết vấn đề liên quan đến giáo dục và tiếp biến văn hóa”
Chỉ số trung bình đối với những loại trí thông minh khác nhau đó sẽ có sự biến động khi bạn già đi. Theo Kaufman thì:
- Trí thông minh kết tinh trung bình ở tuổi 20-24 là 98, 35-44 thì tăng lên 101, trước khi giảm xuống 100 ở tuổi 45-54, rồi 98 ở 55-64, 96 ở 65-69, 93 ở 70-74, và 88 ở trên 75 tuổi.
- Trí thông minh mềm giảm nhanh hơn nhiều, đạt đỉnh 100 ở tuổi 20-24, giảm dần xuống 99 ở 25-34 và 96 ở 35-44, trước khi bắt đầu lao dốc xuống 91 ở 45-54, 86 ở 55-64, 83 ở 65-9, 79 ở 70-74 và 72 ở trên 75 tuổi.
Thomas nói rằng: “Thời gian phản xạ nhanh nhất mà bạn có thể đạt được là khi ở giữa những năm 20, nhưng kiến thức về từ vựng của bạn sẽ tiếp tục phát triển xuyên suốt cuộc đời”
“Vào cuối những năm 60 tuổi, hầu hết kỹ năng nhận thức dựa trên nền tảng những điều bạn đã được học (kiến thức kết tinh) hoặc sẽ tăng lên, hoặc sẽ hồi phục khá nhanh. Trong khi đó tốc độ thực hiện mọi thứ có thể giảm đi”
Tóm lại, IQ của chính bạn sẽ không thay đổi khi bạn già đi, nhưng IQ trung bình của con người chắc chắn sẽ sụt giảm khi tuổi thọ càng tăng.
- Những điều chưa biết về chỉ số IQ
- Top 10 người có chỉ số IQ cao nhất thế giới
- 9 tiết lộ bất ngờ thú vị về chỉ số IQ của bạn