Hậu quả của đọc tin khủng bố

Những người hàng ngày theo dõi tin tức về vụ đánh bom giải marathon Boston chịu ảnh hưởng tâm lý nặng hơn so với những người thực tế có mặt tại hiện trường. Đây là kết luận đưa ra trong công trình nghiên cứu khoa học tìm hiểu về tác động tâm lý của việc thường xuyên tiếp xúc với thông tin bạo lực thông qua các phương tiện truyền thông.

Trong bài viết đăng tải ngày 9/12 trên ấn phẩm của Viện khoa học quốc gia Mỹ, nhóm tác giả cho biết đã tiến hành điều tra tâm lý đối với hơn 4.500 công dân Mỹ trưởng thành trong khoảng thời gian từ 2 - 4 tuần sau khi xảy ra vụ đánh bom khủng bố tại giải marathon Boston.

Những người tham gia được yêu cầu trả lời các câu hỏi liên quan đến việc theo dõi tin tức vụ tấn công trên truyền hình và các dấu hiệu căng thẳng tâm lý. Kết quả nghiên cứu cho thấy những nhân chứng trực tiếp và người quen biết họ sẽ bị sốc tâm lý mạnh hơn và cũng dành nhiều thời gian theo dõi tin tức hơn những người không trực tiếp có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, mức sốc tâm lý mạnh nhất lại thuộc về nhóm người mỗi ngày dành tới 6 tiếng theo dõi hoặc đọc tin tức về vụ tấn công này.

Hậu quả của đọc tin khủng bố
Những người theo dõi tin tức khủng bố bị "tổn thương tâm lý gián tiếp". (Ảnh: miratech.com)

Theo bà Roxane Cohen Silver, giáo sư tâm lý học của trường đại học California Irvine và là đồng tác giả công trình nghiên cứu, kết quả này cho thấy việc nắm bắt thông tin qua truyền thông còn gây tác động tâm lý lớn hơn việc trực tiếp chứng kiến vụ việc. Thời gian theo dõi càng lâu, mức độ ảnh hưởng càng nghiêm trọng. Cụ thể, tỷ lệ căng thẳng thần kinh ở những người xem 6 tiếng/ngày cao hơn gấp 9 lần so với những người chỉ theo dõi 1 tiếng/ngày.

Nhận định về kết quả nghiên cứu, ông Bruce Shapiro, giám đốc điều hành Trung tâm báo chí và chấn thương tâm lý Dart của đại học Columbia, cho rằng kết quả nghiên cứu đặt ra vấn đề cấp thiết về mặt xử lý thông tin đối với các cơ quan báo chí và nó cũng phù hợp với một kết quả nghiên cứu trước đó về trạng thái "tổn thương tâm lý gián tiếp".

Tuy nhiên, do sốc tâm lý chỉ là hiện tượng xảy ra trong thời gian ngắn, không phải là triệu chứng của bệnh "rối loạn tâm lý hậu chấn thương" (PTSD) nên sẽ cần phải có những nghiên cứu sâu hơn mới có thể đi đến kết luận về mối liên hệ giữa triệu chứng sốc tâm lý với tổn thương tâm lý dài hạn.

Giáo sư tâm lý học Silver cho rằng, người dân nên ý thức rõ về những tác động tiêu cực đến tâm lý khi tiếp xúc nhiều với những hình ảnh ghê rợn, nhất là trong bối cảnh truyền thông hiện đại ngày càng phát triển, cho phép khán giả có thể tiếp xúc với nhiều tin ảnh khác nhau với tần suất dày đặc.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất