Hé lộ nhiều di cốt người tiền sử trong hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á

Kết quả miệt mài khai quật của các nhà khảo cổ và địa chất, là hàng chục bộ di cốt người cổ trong hệ thống hang động núi lửa Chư Bluk rộng lớn nhất Đông Nam Á, ở huyện Krông Nô tỉnh Đắk Nông.


Đoàn công tác tại hang C6-1

Ngày 15/8/2019, trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết 2 tháng nữa mới chính thức công bố về kết quả phát hiện di cốt người tiền sử trong hệ thống hang động núi lửa Cư Bluk.


Bộ cốt táng thứ 3 được tìm thấy

Tuy nhiên, hiện tại, ông đã có thể xác nhận: Việc phát hiện ra di cốt người cổ trong các hang động núi lửa ở Tây Nguyên là một thành tựu lớn của ngành cổ nhân học nước ta, là phát hiện quan trọng của các nhà khoa học Việt Nam.


Chiếc răng hàm trên số 3 - di cốt người cổ đầu tiên được phát hiện ở Tây Nguyên

Còn nhớ, cuối năm 2007, TS. La Thế Phúc ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, cùng một hướng dẫn viên du lịch địa phương là anh Nguyễn Thanh Tùng, đã phát hiện ra một loạt hang động núi lửa ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.


PGS.TS Nguyễn Lân Cường trao đổi với PV trong hang C6-1

Tới 7 năm sau, một đề tài khoa học về phát hiện này mới chính thức được triển khai. Đó là đề tài “Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng, bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên, lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông Nô tỉnh Đắk Nông”, do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ VN chủ trì. TS La Thế Phúc là chủ nhiệm đề tài, PGS.TS. Nguyễn Trung Minh là Phó chủ nhiệm đề tài.


Thêm một bộ hài cốt được phát hiện

Vì đề tài có liên quan đến khảo cổ học nên Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam- PGS.TS Nguyễn Trung Minh đã mời một số nhà khoa học của Hội Khảo cổ học VN tham gia.


Việc khảo cổ vô cùng tỉ mỉ và cực nhọc

Tại hang C6-1, các nhà khoa học đã tìm thấy bộ di cốt đầu tiên của một bé gái 4 tuổi người tiền sử được chôn theo tư thế ngồi bó gối. Cách đó không xa, là bộ hài cốt khác có dấu hiệu đã được cải táng. Quá trình phục nguyên phải tiến hành rất cẩn thận, vì đoạn xương chi bé như chiếc đũa.

Các đốt ngón tay, ngón chân nhỏ li ti như hạt đậu đen. Hộp sọ bị vỡ hơn 100 mảnh. Theo các kết quả phân tích bằng phương pháp C14 mới nhất của Mỹ và Nga thì ngôi mộ có niên đại 6.100 năm cách ngày nay.


Giấc trưa mệt nhoài của những nhà khoa học tuổi 70, thậm chí gần 80 ngay trên miệng hố 

Tính đến năm 2018, ở hang C6-1 đã phát hiện được 3 ngôi mộ có di cốt người và ít nhất trong hố khai quật đã tìm thấy dấu vết của 10 cá thể nữa mà trong số đó có tới 5 cá thể là trẻ sơ sinh, 1 cá thể là thiếu niên và 4 cá thể là người trưởng thành.


Các mảnh sọ vỡ của bé gái tiền sử 4 tuổi trước khi được phục nguyên

Đợt khai quật mới đây trong mùa khô 2019 tại hang C6-1 đã phát hiện thêm nhiều điều mới, trong đó đặc biệt quan trọng là đã khai quật được trọn vẹn 2 bộ xương người trưởng thành trong tư thế bó gối - một táng thức đặc trưng của người Tiền sử. Đó là bằng chứng chính xác để tìm hiểu về vấn đề chủng tộc của người cổ sống ở Tây Nguyên, một câu hỏi từ trước tới nay chưa từng có lời đáp.


Những nhà khảo cổ làm việc miệt mài dưới hang sâu tối, quên cả tuổi tác, nắng mưa

“Chúng tôi đã liên hệ để tham khảo ý kiến của một số nhà khoa học nước ngoài như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Úc và Indonessia… họ đều phát biểu rằng chưa hề phát hiện được di cốt người cổ trong những hang động núi lửa. Tìm thấy hài cốt người tiền sử trong hang động núi lửa là phát hiện chưa từng có trên thế giới” - PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết.


Còn nhiều phần việc cực nhọc nữa dưới các hang này trước ngày công bố kết quả khảo cổ

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất