Hệ mặt trời lớn nhất trong vũ trụ

Các nhà khoa học Australia phát hiện một hành tinh quay quanh ngôi sao mẹ ở khoảng cách một tỷ tỷ km, gấp 7.000 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời.

Lúc đầu, nhóm nghiên cứu tin rằng hành tinh mang tên 2MASS J2126-8140 lang thang vô định trong vũ trụ và không có sao mẹ. Sau đó, họ rất ngạc nhiên khi nhận thấy nó quay quanh một ngôi sao lùn màu đỏ có ký hiệu TYC 9486-927-1. Khoảng cách giữa hành tinh này và ngôi sao mẹ lớn hơn 7.000 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời, theo công bố hôm 16/1 trên nguyệt san của Hiệp hội Thiên văn học Hoàng gia Anh.


Hành tinh ở cách ngôi sao mẹ một tỷ tỷ km. (Ảnh: Express).

Khoảng cách này lớn đến mức thời gian để hành tinh đi hết quỹ đạo kéo dài gần một triệu năm. Nói cách khác, một gia đình sẽ trải qua 13.000 thế hệ trước khi 2MASS J2126-8140 hoàn thành quỹ đạo quay quanh TYC 9486-927-1.

Hệ mặt trời mới lớn hơn ba lần so với kỷ lục được ghi nhận trước đây. "Chúng tôi vô cùng kinh ngạc khi tìm thấy một thiên thể ở xa ngôi sao mẹ đến vậy", International Business Times dẫn lời nhà nghiên cứu Simon Murphy ở Đại học Quốc gia Australia.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy cả hành tinh và ngôi sao mẹ của nó đều cách Trái Đất 100 triệu năm ánh sáng. Họ đo chuyển động của cả hai và nhanh chóng xác nhận mối liên hệ giữa chúng.

"Chúng tôi suy đoán chúng hình thành 10-45 triệu năm trước và bị một luồng khí đẩy về cùng hướng", Murphy nói. "Chúng không phải tồn tại trong môi trường đặc. Mối liên kết giữa chúng mỏng manh đến nỗi bất kỳ ngôi sao nào ở gần đó cũng có thể phá vỡ hoàn toàn quỹ đạo của chúng".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất