Hệ thống thực tế ảo này sẽ cho bạn cảm giác "hồn lìa khỏi xác" khi chết
"Linh hồn" bạn sẽ đứng phía sau bạn, nhìn thấy và nghe thấy như nó đang ở phía sau.
Outrospectre, đúng như cái tên của nó, là một thiết bị thực tế ảo mô phỏng trải nghiệm “hồn lìa khỏi xác”. Nó có thể cho bạn cảm giác của cái chết mà không cần phải chết.
Theo Frank Kolkman, cha đẻ của Outrospectre, hệ thống được thiết kế với mục đích nhân đạo. Nó giúp những bệnh nhân hiểm nghèo làm quen với cảm giác "ra đi". Qua đó, họ sẽ dễ dàng chấp nhận thực tế đó hơn, giảm những sang chấn tâm lý, khi phải đối mặt với cái chết thực sự của mình.
Hệ thống thực tế ảo này sẽ cho bạn trải nghiệm cái chết, khi thấy "hồn mình lìa khỏi xác".
Frank Kolkman là một kỹ sư người Hà Lan, tốt nghiệp từ Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hoàng gia London. Anh đã tạo ra Outrospectre, một hệ thống thực tế ảo không sử dụng thế giới đồ họa 3D, mà chứa cảnh quay lại từ thế giới thực để mô phỏng trạng thái “hồn lìa khỏi xác”.
Người trải nghiệm sẽ được cho đứng trước một chiếc đầu robot, trang bị 2 camera 3D trong hốc mắt. Chiếc đầu này được gắn vào một gá đỡ, có thể di chuyển trên đường ray ra xa hoặc lại gần đối tượng.
Khi đeo một chiếc kính thực tế ảo, người dùng có thể nhìn thấy chính mình từ hai chiếc camera 3D, như thể linh hồn họ đang đứng ở phía sau của chính cơ thể mình.
Theo báo cáo, cứ 5 người thử sử dụng Outrospectre thì có 4 người cảm thấy rằng "hồn" của họ đã tách ra ở một địa điểm khác. Một số người thì nhận thức rằng họ đang đứng ở hai vị trí cùng một lúc.
Một người đang trải nghiệm cảm giác "hồn lìa khỏi xác" với hệ thống Outrospectre.
Nói về lý do mà mình đã tạo ra hệ thống Outrospectre, Kolkman cho biết: "Sự sợ hãi và kinh nghiệm về cái chết là một chủ đề bị bỏ rơi. Nếu chúng ta bắt đầu điều trị những lo lắng xung quanh cái chết, điều đó có nghĩa là quá trình tử vong có thể trở nên thoải mái hơn”.
"Trong thế giới phát triển đến như ngày nay, rất nhiều người đang chết trong bệnh viện hoặc được cho về chăm sóc tại nhà đã biến những cái chết thành một trải nghiệm y khoa. Nhưng các bác sĩ thì chỉ được đào tạo để cứu sống và kéo dài cuộc sống, họ không có xu hướng quan tâm đến cái chết của chúng ta. Cũng chỉ đơn giản vì họ thiếu công cụ để làm điều này".
Các bác sĩ chỉ được đào tạo để quản lý sự sống chứ không phải cái chết của bệnh nhân.
Đó là lí do Kolkman muốn thiết kế một hệ thống giúp trải nghiệm cái chết như Outrospectre. Trong đó, chiếc đầu robot gắn camera có thể di chuyển, cho phép người đeo kính thực tế ảo nhìn quanh và khám phá căn phòng xung quanh.
Nó cũng được trang bị micro và người sử dụng đeo tai nghe. Có nghĩa là đầu vào của âm thanh mà họ nghe thấy cũng tách ra khỏi cơ thể của họ. Để cảm nhận trở nên chân thực hơn nữa, Kolkman thiết kế một chiếc búa đập vào ngực hình nhân mỗi giây để mô phỏng nhịp tim.
Kolkman sửa lại chiếc đầu robot trong hệ thống Outrospectre của anh.
"Outrospectre là đề xuất thử nghiệm cho một thiết bị y tế nhằm mục đích giúp chúng ta làm quen với cái chết thông qua mô phỏng kinh nghiệm hồn lìa khỏi xác”, Kolkman nói.
"Trong chăm sóc sức khoẻ, phần lớn các nỗ lực và nghiên cứu tập trung vào việc duy trì sự sống của con người. Tuy nhiên, nghiên cứu tâm lý học gần đây cho thấy cảm giác trôi bên ngoài cơ thể của một người bằng công nghệ thực tế ảo có thể giúp làm giảm sự lo lắng về cái chết”.
Một phụ nữ trải nghiệm Outrospectre.
Outrospectre đang là thiết bị tiên phong đưa những lý thuyết nghiên cứu này vào ứng dụng. Mục tiêu của thiết bị là nó sẽ được sử dụng trong bệnh viện, nơi có thể giúp được nhiều bệnh nhân hiểm nghèo chấp nhận sự tử vong của chính họ trong tâm thế thoải mái hơn.
Dự án cũng sẽ giúp nghiên cứu trả lời các câu hỏi chưa có lời giải về cái chết và cảm giác cận tử.
Một cậu bé cũng muốn thử "nhìn thấy chính mình từ phía sau".
Hiện tại, Kalkman đang trưng bày Outrospectre tại một số địa điểm, bao gồm tại Tuần lễ Thiết kế Hà Lan ở Eindhoven tháng trước và Bảo tàng Victoria & Albert. Thiết bị được cho những người khỏe mạnh dùng thử như một “trò chơi”.
Nhưng Kalkman hy vọng, dự thống sẽ sớm được kiểm tra thông qua các dự án khoa học bài bản, để xác định hiệu quả lâm sàng của nó trên bệnh nhân.