Hiểm họa từ việc đốt pháo sáng
Pháo sáng chứa hóa chất độc hại cho hệ hô hấp gây khó thở và phù các mao mạch làm tắt đường thở.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, đốt pháo sáng có nguy cơ gây tác động xấu đối với sức khỏe con người. Trong không gian rộng, khói bụi nhanh chóng được phát tán ra ngoài không khí nên mức độ nguy hiểm nhỏ hơn. Đốt pháo trong không gian hẹp như trong nhà, phòng kín, tác hại lớn đối với sức khỏe, nhất là hệ hô hấp.
Pháo sáng trên sân vận động Hàng Đẫy ngày 21/4. (Ảnh: Giang Huy).
Tiến sĩ Khuất Thanh Sơn, giảng viên Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, nói ngoài vấn đề sức khỏe, đốt pháo sáng gây nhiều hệ lụy như cháy nổ, hỏa hoạn thậm chí tử vong cho chính người đốt pháo cũng như những người xung quanh.
Theo tiến sĩ Sơn, thành phần hóa học của pháo sáng gồm 3 hợp phần là chất oxy hóa mạnh (kali nitrat, kali clorat, kali peclorat...), chất cháy (bột than mịn, lưu huỳnh, parafin nhựa đường...) và chất tạo màu. Ngoài ra còn có phụ gia như canxi carbonat, vaselin, bột shellac màu. Nhiệt độ của pháo sáng từ 1.200 đến 3.000 độ C, dễ gây cháy và bắt cháy, khối lượng tập trung từ 50 gam là có thể gây nổ.
Pháo sáng đốt tại sân vận động không dễ dập tắt vì nó được thiết kế kích ứng với nước. Ghế nhựa trên khán đài cũng có nguy cơ bắt cháy và phát sinh các chất độc hại như carbonmono oxit, sunfurơ, bụi thủy ngân, các chất oxy hóa mạnh và bụi kim loại. Mật độ khói làm giảm 20-50% tầm nhìn.
"Thời gian phơi nhiễm khói hóa chất dưới 3 phút sẽ gây ảnh hưởng nhẹ", tiến sĩ Sơn nhận định. Trên 3 phút, hệ hô hấp bắt đầu bị ảnh hưởng, đặc biệt với người có tiền sử bệnh hô hấp, hen suyễn. Các chất độc có thể gây phù các mao mạch làm tắt đường thở. Bụi khói của pháo sáng ảnh hưởng trực tiếp đến mắt, làm chảy nước mắt hoặc loét giác mạc. Khí sunfurơ gây sốc và mẫn cảm mạnh đường hô hấp, tác động tức thì. Khí carbonmono oxit làm giảm các phản ứng thần kinh thực vật và hôn mê.
Ở Việt Nam, chưa ghi nhận trường hợp bị thương bởi pháo sáng trên sân cỏ trong khi thế giới đã có nhiều tai nạn xảy ra.
Theo BBC, năm 1992 Guillem Lazaro (13 tuổi) qua đời vì một quả pháo sáng phát nổ ngay trước ngực tại một sân vận động ở Barcelona, Tây Ban Nha. Năm 1993, ông John Hill 67 tuổi chết do bị trúng một quả pháo sáng dùng trong hải quân. Năm 2015, thủ môn Igor Akinfeev của đội tuyển Nga bị ném pháo sáng vào đầu trong trận đấu giữa Montenegro và Nga.